Khoảng 70% rác thải điện tử toàn cầu được chuyển đến Trung Quốc thông qua Hồng Kông hoặc TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Hầu hết trong số này sau đó tập kết tại Quý Tự, nơi “đón” các sản phẩm điện tử qua sử dụng lần đầu vào giữa những năm 1990 và nay đã thành một bãi rác khổng lồ. Vào thời “hoàng kim” đầu những năm 2000, khoảng 5.000 điểm tái chế ở thị trấn này đã xử lý 15.000 tấn rác thải điện tử mỗi ngày.
Mặc dù hoạt động tái chế được khuyến khích ở nhiều nước trên thế giới nhưng ở Trung Quốc, đặc biệt là tại Quý Tự, việc xử lý rác thải vẫn sử dụng các phương pháp thô sơ, đe dọa sức khỏe người lao động cũng như làm ô nhiễm môi trường.
Nhiều người dùng tay không tháo các linh kiện điện tử hoặc làm nóng chảy các bảng điện nhựa để lấy kim loại có giá trị mà không có đủ dụng cụ bảo hộ. Chưa hết, công việc tái chế đó thường xuyên diễn ra ngay trên đường phố, còn các kim loại nặng và hóa chất bị ném xuống những con sông gần đó. Nguồn nước địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng, từ đó tàn phá mùa màng và sức khỏe người dân.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Y khoa Sán Đầu hồi năm ngoái phát hiện trẻ em ở thị trấn Quý Tự có nồng độ chì trong máu cao bất thường. Thế nhưng, kết quả đáng báo động trên cũng không ngăn được người dân nơi đây tiếp tục mưu sinh bằng công việc độc hại này do mức thu nhập khá hấp dẫn. Một người lao động ở Quý Tự làm 10 giờ/ngày có thể kiếm từ 150-200 nhân dân tệ (tương đương 24-32 USD), cao hơn nhiều những người làm công việc chân tay khác.
Hồi tháng 4, một báo cáo của Trường ĐH Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Đức ước tính số kim loại được lấy ra khỏi các thiết bị điện tử cũ - gồm cả vàng, bạc, sắt và đồng - có tổng trị giá đến 52 tỉ USD. Chính lợi nhuận cao lý giải nguyên nhân có đến 80.000 trong tổng số 130.000 người dân ở Quý Tự vẫn làm việc với “thần chết”. Dự kiến khối lượng rác thải điện tử toàn cầu sẽ tăng lên tới 50 triệu tấn/năm vào năm 2017. Trong đó, chính Trung Quốc cũng trở thành nước thải rác điện tử lớn thứ hai thế giới với 6 triệu tấn, chỉ đứng sau Mỹ (7,1 triệu tấn).
Bình luận (0)