Hồi tháng 6-2014, phát biểu trước quốc hội lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Narendra Modi hứa hẹn giúp thay đổi cuộc sống của người Hồi giáo ở Ấn Độ. Dù vậy, chính phủ ông Modi giờ đây bị chỉ trích là khiến cuộc sống họ trở nên khó khăn hơn bằng cách trấn áp mạnh tay các ngành công nghiệp da và thịt bò.
Luật lệ cứng rắn
Người Hồi giáo và thuộc tầng lớp Dalit (tầng lớp chịu nhiều áp bức bất công nhất trong xã hội) hiện thuộc số những người nghèo nhất Ấn Độ. Nhiều người trong số này làm việc trong lĩnh vực da - ngành công nghiệp hiện tuyển dụng 2,5 triệu người lao động.
Trong 3 năm qua, nhiều người làm việc trong những ngành liên quan đến bò trở thành mục tiêu tấn công trong bối cảnh luật lệ được siết chặt để bảo vệ loại động vật được xem là linh vật của người Hindu này.
Việc giết mổ bò bị cấm ở một số bang của Ấn Độ và người vi phạm có thể bị phạt đến 10 năm tù. Quốc hội cũng đang cân nhắc đề xuất về án tử hình cho tội danh này. Chính quyền nhiều địa phương cũng mạnh tay với người tham gia những lĩnh vực liên quan đến bò. Chẳng hạn như tại bang Gujarat, người giết bò không được cho bảo lãnh tại ngoại và có thể đối mặt bản án tối đa là tù chung thân, tương đương mức án dành cho tội phạm giết người. Một số bang do thành viên Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi nắm quyền cũng áp dụng các luật lệ cứng rắn tương tự.
Con bò đang gây chia rẽ tại Ấn Độ Ảnh: REUTERS
Tác động tiêu cực của những động thái trên có thể thấy rõ nhất ở bang Uttar Pradesh. Theo hãng tin Reuters, hơn 400.000 người làm trong ngành công nghiệp da và những lĩnh vực liên quan ở thị trấn Kanpur bị thất nghiệp khi nhiều lò giết mổ đóng cửa. Nếu tính cả bang, số người bị ảnh hưởng ước tính lên đến 3,5 triệu.
Các vụ tấn công nhằm vào cơ sở kinh doanh liên quan đến bò khiến hoạt động xuất khẩu của bang này thiệt hại 601 triệu USD. Nguồn cung cũng giảm mạnh, khiến doanh số về da và các sản phẩm từ da của Ấn Độ lao dốc. Từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của những loại sản phẩm này giảm 3,23% so với cùng kỳ năm trước, tức từ 5,9 tỉ USD còn 5,67 tỉ USD.
Bảo vệ một cách cực đoan
Những quy định nói trên càng khiến các nhóm bảo vệ bò tự phát tăng cường phá hoại cơ sở kinh doanh của người Hồi giáo và Dalit, đe dọa các thương lái bò, đánh đập hoặc giết người một cách tàn nhẫn mà không sợ phải bị pháp luật trừng phạt. Nhân danh là các nhà hoạt động vì động vật, cùng với sự ủng hộ ngầm của nhà chức trách, những nhóm này bị tố đã lợi dụng linh vật của đạo Hindu để hành động bạo lực.
Điều kỳ lạ là nhiều người theo đạo Hindu làm chủ lò giết lại không phải là mục tiêu bị trấn áp. Trong số 11 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lớn nhất Ấn Độ, hết 8 công ty thuộc sở hữu của người theo đạo Hindu. Dù đàn áp mạnh tay nhưng nghịch lý là chính phủ Ấn Độ lại hy vọng kim ngạch xuất khẩu da tăng từ 5,85 tỉ USD hiện nay lên 9 tỉ USD vào năm 2020.
Không có gì khó hiểu khi nhiều cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt đối xử nói trên ở khắp Ấn Độ. Nổi bật trong số này là chiến dịch #NotInMyName, được khởi xướng sau khi nhà làm phim Saba Dewan chia sẻ một bài viết trên Facebook về vụ một thiếu niên Hồi giáo 16 tuổi bị giết cuối tháng 6 qua ở Asauti vì cáo buộc mang thịt bò trong túi, dẫn đến làn sóng biểu tình tại một số thành phố bên ngoài Ấn Độ.
Theo thống kê, hơn 10 người bị sát hại trong những vụ tấn công do các nhóm bảo vệ bò cực đoan gây ra trong 2 năm qua. Tuy nhiên, các mục tiêu thường bị tấn công do tin đồn thất thiệt. Thậm chí, những người Hồi giáo vận chuyển bò để lấy sữa cũng lọt vào tầm ngắm.
Dự án gây tranh cãi
Nhiếp ảnh gia Sujatro Ghosh đến từ TP Kolkata - Ấn Độ đã thực hiện bộ ảnh phụ nữ đeo mặt nạ bò tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, tòa nhà chính phủ, trên tàu... Anh Ghosh cho biết dự án gây tranh cãi của mình nhằm phản đối sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm bảo vệ bò một cách cực đoan. "Tôi cảm thấy bối rối bởi thực tế là ở đất nước tôi, bò được coi trọng hơn phụ nữ. Với một phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc tấn công, thời gian đòi công lý cho họ lâu hơn nhiều so với một con bò bị giết" - nhiếp ảnh gia 23 tuổi này giải thích với đài BBC.
Theo thống kê của chính phủ, cứ 15 phút lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp phụ nữ. "Những trường hợp này thường mất nhiều năm xét xử trước khi hung thủ bị trừng phạt. Trong khi đó, nếu một con bò bị giết, các nhóm người Hindu cực đoan ngay lập tức sát hại hoặc đánh đập bất cứ ai bị nghi ngờ là kẻ giết mổ" - anh Ghosh nói.
Bình luận (0)