Trong khi tỉ lệ sinh ở các nước đang phát triển tăng cao dẫn đến sự bùng nổ dân số trẻ em thì tỉ lệ sinh ở các nước giàu lại không đủ để duy trì dân số của mình. Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Trường ĐH Washington (Mỹ) công bố hôm 9-11.
Báo cáo được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet này cho biết dân số toàn cầu tăng mạnh từ 2,6 tỉ người trong năm 1950 lên 7,6 tỉ người hồi năm ngoái nhưng sự gia tăng này có sự chênh lệch đáng kể theo khu vực và thu nhập. Cụ thể, 91 quốc gia, phần lớn ở châu Âu và châu Mỹ, có tỉ lệ sinh không đủ để duy trì dân số mỗi nước. Trái lại, tỉ lệ sinh ở châu Phi và châu Á không ngừng gia tăng. Theo IHME, Cyprus có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới - bình quân một phụ nữ sinh 1 con. Ở chiều ngược lại, bình quân một phụ nữ Niger sinh 7 con. Con số này tại Mali, Chad và Afghanistan là hơn 6 con. Nhìn chung, IHME dự báo thế giới sẽ có khoảng 10 tỉ người vào giữa thế kỷ này, tương tự con số được Liên Hiệp Quốc đưa ra.
Chad nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ sinh cao nhất thế giới với bình quân một phụ nữ sinh hơn 6 con Ảnh: REUTERS
Báo cáo chi tiết nhất về sức khỏe cộng đồng toàn cầu của IHME được dựa trên 8.000 nguồn dữ liệu, trong đó có hơn 600 nguồn dữ liệu mới. Nguồn dữ liệu này bao gồm các cuộc điều tra của từng nước, thông tin trên mạng xã hội và tài liệu nguồn mở.
Lý giải hiện tượng trên, ông Christopher Murray, Giám đốc IHME, nói với đài CNN: "Khi phụ nữ được đi học, làm việc, tiếp cận y tế ngày càng nhiều thì không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ sinh giảm mạnh, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ". Vào năm 1950, một phụ nữ bình quân có 4,7 con nhưng con số này năm ngoái giảm còn 2,4. Những yếu tố tác động khác là tỉ lệ an toàn khi sinh được cải thiện và kết hôn muộn.
Theo đài BBC, báo cáo chỉ ra rằng các nước có tỉ lệ sinh giảm cần xem xét chào đón thêm người nhập cư hoặc đề xuất những chính sách khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. "Xu hướng hiện tại là sinh ít con hơn trong lúc số người trên 65 tuổi ngày càng nhiều. Tình trạng này khó có thể duy trì sự ổn định của xã hội toàn cầu. Mọi người hãy nghĩ đến những hệ lụy kinh tế và xã hội nặng nề của một cấu trúc xã hội có nhiều ông bà hơn cháu" - ông Murray nhận định.
Báo cáo của IHME còn cho thấy gánh nặng đến từ việc con người sống lâu hơn. Kể từ năm 1950, tuổi thọ trung bình của nam giới tăng từ 48 lên 71 trong khi của phụ nữ tăng từ 53 lên 76. Tuy nhiên, sống lâu hơn mang đến không ít vấn đề về sức khỏe và gánh nặng lớn hơn cho hệ thống chăm sóc y tế. Theo IHME, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, những yếu tố gây rủi ro cao cho sức khỏe con người là đường huyết cao, cao huyết áp, hút thuốc và béo phì.
Tạp chí The Lancet chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được những tiêu chuẩn sức khỏe toàn cầu được Liên Hiệp Quốc đề ra. Vì thế, cuộc nghiên cứu mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các chính phủ và tổ chức quốc tế nỗ lực gấp đôi để tránh mất đi những thành quả không dễ đạt được và tìm kiếm hướng tiếp cận mới để đối phó các mối đe dọa đang tăng.
Bình luận (0)