xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghiên cứu khoa học gây sốc: Thí nghiệm hãi hùng trên trẻ em

ĐỖ QUYÊN

Chỉ vì muốn tìm câu trả lời cho sự quan tâm cá nhân mà một số nhà khoa học đã sa đà vào những thí nghiệm đi quá giới hạn cho phép, dẫn tới hậu quả khủng khiếp đeo bám suốt đời các đứa trẻ bị đưa ra làm "chuột bạch"

Thí nghiệm của TS Wendell Johnson về tật nói lắp ở trẻ em luôn dẫn đầu danh sách những thí nghiệm tâm lý quái đản nhất lịch sử loài người. Chuyên gia nghiên cứu các bệnh về nói ở ĐH Iowa (Mỹ) này muốn chứng tỏ rằng các giả thuyết thịnh hành trong thời đại của ông về nguyên nhân gây nói lắp là hoàn toàn lệch lạc.

"Nghiên cứu quái vật"

Suốt những năm 1930, người ta cho rằng nói lắp là do di truyền và vô phương cứu chữa. Trái với suy nghĩ của số đông, TS Johnson cho rằng việc "gắn mác" nói lắp cho trẻ thực ra có thể khiến tình trạng trở nên tệ hơn và trong một số trường hợp khiến những trẻ "bình thường" cũng bắt đầu lắp bắp.

Để chứng minh quan điểm cá nhân này, TS Johnson đã cùng học trò của mình - Mary Tudor, một sinh viên vừa tốt nghiệp - tiến hành cuộc thí nghiệm mà về sau bị đồng nghiệp gọi là "Nghiên cứu quái vật". Kết quả cuộc thí nghiệm thực hiện năm 1939 làm rung chuyển các tiêu chuẩn đạo đức này chưa bao giờ được công bố vì sợ rằng nó có thể bị so sánh với các thí nghiệm tàn độc từng được thực hiện dưới thời Đức Quốc xã.

Nghiên cứu khoa học gây sốc: Thí nghiệm hãi hùng trên trẻ em - Ảnh 1.

TS Wendell Johnson gây tranh cãi vì “Nghiên cứu quái vật” (trái) và những đứa trẻ trong thí nghiệm “Búp bê Bobo” Ảnh: TOPNEWS - LEARN MAST

Tổng cộng 22 trẻ mồ côi đã được chọn tham gia thí nghiệm. Các em được chia làm 2 nhóm, trong đó nhóm thứ nhất được "gắn mác" nói bình thường và nhóm thứ hai bị "gắn mác" nói lắp. Điều đáng chú ý là trong nhóm nói lắp, chỉ một nửa thực sự có dấu hiệu này. Suốt quá trình thí nghiệm, nhóm bình thường luôn nhận được những lời khích lệ tích cực.

Sự tàn nhẫn của thí nghiệm nằm ở cách đối xử với những trẻ ở nhóm nói lắp. Các em liên tục bị "lên lớp" để tự nhận thức về khiếm khuyết của bản thân; bị giáo viên đay nghiến về tật nói lắp và thường xuyên bị nhắc nhở không được như vậy.

Sau liệu pháp tiêu cực đáng lên án của thí nghiệm, trong số 6 em không nói lắp nhưng bị trộn lẫn vào nhóm nói lắp, 5 em bắt đầu… nói lắp. Trong 5 em còn lại của nhóm này - vốn là những trẻ đã nói lắp ngay từ đầu, 3 trường hợp chuyển biến xấu đi rõ rệt, thậm chí có em không nói được nữa!

Nhận ra sự hủy hoại đáng sợ của thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cố gắng sửa sai, khôi phục trạng thái ban đầu cho bọn trẻ nhưng không có kết quả. Dường như tác động từ thí nghiệm đã ăn sâu vào nhóm trẻ mồ côi bị "gắn mác" nói lắp và các em phải vật lộn với hậu quả của cuộc thử nghiệm phi đạo đức đó suốt phần đời còn lại.

Năm 2001, tức 36 năm sau khi TS Johnson qua đời, ĐH Iowa - nơi nhà nghiên cứu này làm việc vào thời gian ông thực hiện "Nghiên cứu quái vật" - đã lên tiếng xin lỗi chính thức và thừa nhận thí nghiệm này thực sự đáng hối tiếc, không thể bào chữa. Sau 6 năm đấu tranh pháp lý, 6 nạn nhân của thí nghiệm được bồi thường tổng cộng 925.000 USD vào năm 2007.

Thí nghiệm "Búp bê Bobo"

Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Albert Bandura của ĐH Stanford (Mỹ) vì muốn chứng tỏ có thể dễ dàng dạy cho trẻ hành động bạo lực tới mức nào bằng cách cho chúng thấy người lớn hung hãn, ông cũng đã gây ra những "vết sẹo" đáng sợ trong tâm hồn của những đứa trẻ bị đưa vào thí nghiệm.

Để thực hiện thí nghiệm mang tên "Búp bê Bobo" này vào năm 1961, GS Bandura đã "tuyển" được 72 đứa trẻ ở độ tuổi 3-6 cùng một món đồ chơi lớn được bơm phồng gọi là búp bê Bobo. Ông ta cho một nhóm trẻ trong số những em tham gia thí nghiệm xem video ghi lại hình ảnh một người trưởng thành đánh đập và hành hạ búp bê Bobo trong khoảng 10 phút.

Kết quả rất đáng lưu tâm, GS Bandura phát hiện rằng trong số khoảng 20 trẻ theo dõi video nói trên, nhiều em có hành vi bắt chước. Khi người lớn đi khỏi và đứa trẻ ở lại một mình trong phòng cùng Bobo, chúng bắt đầu có các hành vi hung hăng với đồ chơi này, thậm chí tấn công búp bê bằng những hành động đáng sợ khó có thể tưởng tượng ở một đứa trẻ.

Tới năm 1963, ông Bandura tiếp tục thực hiện một thí nghiệm "Búp bê Bobo" khác và nhận được kết quả tương tự.

Dù khẳng định mục đích của thí nghiệm này chỉ nhằm tìm hiểu về hành vi hung hãn ở trẻ, đặc biệt là khả năng bắt chước người lớn, nhưng thí nghiệm "Búp bê Bobo" tới nay vẫn bị lên án. 

Bị ép chuyển giới

Cuộc đời chàng trai người Canada David Reimer đã thay đổi một cách bi thảm vì thí nghiệm tâm lý tàn nhẫn của một giáo sư tâm lý ở ĐH Johns Hopkins (Mỹ).

Năm 1966, tai nạn trong ca phẫu thuật cắt bao quy đầu khi mới 6 tháng tuổi khiến Reimer bị biến dạng bộ phận sinh dục nam tới mức không thể cứu vãn. Cha mẹ đưa cậu tới gặp GS John Money - bác sĩ nhi và là nhà tâm lý học của ĐH Johns Hopkins. Ông này là người ủng hộ "Lý thuyết về trung lập giới" và tin rằng nhận dạng giới là kết quả của việc học tập xã hội và có thể thay đổi thông qua can thiệp hành vi. Ông ta thuyết phục cha mẹ Reimer rằng phương án tốt nhất là phẫu thuật chuyển giới cho cậu và nuôi dạy như một bé gái. Năm 1967, ca phẫu thuật chuyển giới diễn ra, biến Reimer - lúc đó mới 20 tháng tuổi - thành một "bé gái" lấy tên là Brenda Reimer.

Dù bị giấu nhẹm toàn bộ biến cố tuổi thơ và vẫn tới thăm khám chỗ GS Money suốt 10 năm sau đó nhưng Reimer thực sự chưa bao giờ có thể cảm thấy mình là một phụ nữ. Tới năm 14 tuổi, Reimer quyết định sống cuộc đời nam giới sau khi được gia đình tiết lộ toàn bộ sự thật. Reimer tiến hành phẫu thuật để trở lại giới tính thực sự. Có điều, những khủng hoảng tinh thần trong suốt quá trình bị ép buộc giới tính nữ đã làm Reimer bị trầm cảm - một yếu tố được cho là đã góp phần khiến chàng trai tội nghiệp này đi tới quyết định tự tử vào năm 2004.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo