Kể từ khi Liên Xô tan rã, 5 nước Trung Á - Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan - có mối quan hệ gắn kết với Nga đến mức được bên ngoài coi như là sân sau của Moscow.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và cả Trung Quốc nữa trong thời gian dài không coi trọng đúng mức khu vực này hoặc không thành công nhiều với việc tiếp cận và chinh phục khu vực, càng chưa thể ganh đua ảnh hưởng nổi với Nga ở nơi đó.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine làm cho vùng Trung Á này trở nên đặc biệt quan trọng về chiến lược đối với Nga và càng thêm xứng đáng để Mỹ, EU, Trung Quốc ganh đua ảnh hưởng trực tiếp với Moscow.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến đây. EU có hẳn chiến lược hợp tác với 5 quốc gia Trung Á nói trên và lãnh đạo EU cũng đã công du khu vực. Từ ngày 28-2 đến 1-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở thành quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Á.
Cách thức chinh phục khu vực Trung Á của các đối tác này khá giống nhau: đến thăm chính thức một hoặc hai nước nhưng gặp lãnh đạo, bộ trưởng ngoại giao hoặc đại diện của cả 5 quốc gia; tất cả đều đổ tiền của để đầu tư vào khu vực, viện trợ tài chính để thực thi những dự án hợp tác ở khu vực, thúc đẩy thương mại và kết nối các nền kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ 3 từ trái sang) và bộ trưởng ngoại giao 5 nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan tại cuộc gặp ở thủ đô Astana - Kazakhstan hôm 28-2Ảnh: Reuters
Mỹ và EU dành cho 5 quốc gia Trung Á vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược và chính sách của họ nhằm đối phó Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. EU đưa ra chiến lược hợp tác với 5 quốc gia này từ giữa năm 2019. Vì nhu cầu đối phó Nga mà EU phải ráo riết thúc đẩy thực hiện chiến lược này.
Sự quan tâm của Mỹ cũng rất rõ. Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm Uzbekistan. Sau khi ông Biden hiện diện trực tiếp ở Ukraine, ông Blinken tới Kazakhstan và hội họp với bộ trưởng ngoại giao của tất cả nước Trung Á nói trên.
Mỹ và EU mưu tính phân rẽ 5 quốc gia này với Nga, lôi kéo họ về cùng phe để đối phó Moscow, thuyết phục họ lên án, tham gia trừng phạt và cô lập Nga. Mục tiêu tối thiểu của họ là các quốc gia này trung lập chứ không ở phía Nga, càng không giúp Nga tránh và vô hiệu hóa những biện pháp trừng phạt Nga.
Mỹ và EU ý thức được rằng 5 quốc gia Trung Á kia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến ở Ukraine và không tránh khỏi bị vạ lây bởi đòn trừng phạt Nga. Vì thế, Mỹ chủ động đưa ra những cơ chế hợp tác riêng với các nước này, áp dụng sự đối xử riêng đối với doanh nghiệp của các nước này.
Với tình hình chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế hiện tại ở châu Âu và vùng Trung Á, chiến lược và sách lược của Mỹ và EU chẳng khác gì một dạng "ngoại giao vu hồi" nhằm vào Nga, tức là thọc sườn và tấn lưng Nga, nhằm thẳng vào nơi vốn được coi là sân sau của Nga. Moscow hiện rất cần nơi này để làm một hậu phương cho xung đột ở Ukraine.
Cơ hội thành công của Mỹ và EU với chiến lược ngoại giao này không hề nhỏ và lại càng không hề phi thực tế. Lý do là cuộc xung đột ở Ukraine càng dai dẳng và Mỹ, EU cùng đồng minh càng quyết làm cho Nga thất bại thì Moscow càng khó giữ các quốc gia Trung Á tiếp tục gắn kết với mình.
Bình luận (0)