Không một giọt mưa từ cả tháng nay, đất đai ở ngôi làng Denganmal – cách TP Mumbai khoảng 140 km - nứt nẻ như chân chim.
Nguồn nước duy nhất của cả làng đến từ 2 cái giếng ở chân một ngọn đồi đá. Tuy nhiên, để tới được 2 cái giếng này, người dân phải đi một quãng đường khá xa và khi tới nơi, họ phải chờ dài cổ mới tới lượt.
Theo một người người đàn ông tên Sakharam Bhagat, 66 tuổi, hiện có 3 bà vợ, nhiều người ở Denganmal đang tích cực tuyển thêm vợ lẽ để có người đi lấy nước.
Như tình cảnh của ông Bhagat, người vợ đầu tiên của ông đầu tắt mặt tối với các con, trong khi người vợ thứ hai lăn ra bệnh không thể đi lấy nước. Còn ông phải lo làm việc để nuôi sống gia đình. Vì vậy, ông quyết định cưới thêm bà vợ thứ 3 để làm nhiệm vụ đội nước, đảm bảo các thành viên trong gia đình có nước uống và nấu ăn.
Các bà vợ của ông đều sống trong cùng một nhà với chồng nhưng ở các phòng và nhà bếp riêng biệt. 2 bà vợ được giao trọng trách lấy nước, trong khi bà thứ 3 quản lý việc nấu ăn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Bhagat thật thà cho biết: “Tôi phải cần thêm một ai đó để mang nước về cho chúng tôi và kết hôn là lựa chọn duy nhất”.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ cấm hình thức đa thê nhưng ở Denganmal, “vợ nước” rất phổ biến. Theo ông Bhagat, họ có thể là những quả phụ hoặc phụ nữ bị ruồng bỏ nhưng sau đó tìm thấy hạnh phúc ở cuộc hôn nhân mới mà cả “hai bên đều có lợi”.
“Chúng tôi giống như chị em. Chúng tôi giúp đỡ nhau. Đôi lúc xảy ra xích mích nhưng chúng tôi ngồi lại để giải quyết” – người vợ cả của ông Bhagat, bà Tuki, nói.
Không chỉ có gia đình ông Bhagat, hàng chục ngàn người dân bang Maharashtra cũng đang phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây. Tại tiểu bang lớn thứ 3 Ấn Độ này, chính phủ ước tính hồi năm ngoái có tới hơn 19.000 ngôi làng không có nước sinh hoạt.
Riêng tại làng Denganmal, khu vực có khoảng 100 mái nhà tranh dựng trên những mảnh đất cằn cỗi, hầu hết đàn ông trong làng đều làm nông, thu nhập dưới mức lương căn bản. Người dân địa phương cho biết đám cưới vì muốn có người đội nước đã trở thành một thông lệ ở đây nhiều năm qua.
Bình luận (0)