Gần nửa thập kỷ qua, đây là lúc người dân Pháp cảm thấy bất an nhất dù theo các chuyên gia, điều này không sớm thì muộn cũng xảy ra. Như nhà báo người Anh Jonathan Eyal viết cho tờ The Straits Times (Singapore): “Pháp đang ngồi trên một ngọn núi lửa - cả về xã hội và chính trị - và những rắc rối kiểu này sẽ còn đến nữa”.
Pháp có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo - khoảng 6,4 triệu người, chiếm chừng 10% tổng dân số. Việc Pháp đi đầu trong các hoạt động quân sự tại Libya, Mali và Trung Đông cũng có thể góp phần đẩy người Hồi giáo ở Pháp - với một bộ phận lớn mang cảm giác bị ghẻ lạnh và gạt ra ngoài lề xã hội - đến với các tổ chức thánh chiến, theo ông Eyal.
Chính phủ Pháp ước tính 1.000 người Pháp đã đến Iraq và Syria chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Anh em Cherif và Said Kouachi, nghi phạm thảm sát tại Charlie Hebdo, là những ví dụ: Không học hành, không tương lai!
Một bé trai đặt hoa tưởng niệm nạn nhân vụ bắt con tin ở Porte de Vincennes, phía Đông Paris
Ảnh: REUTERS
Giữa lúc người Hồi giáo ở Pháp tỏ ra lo sợ trước làn sóng trả thù có chiều hướng gia tăng, Tổng thống Pháp Francois Hollande cố gắng xoa dịu định kiến đánh đồng Hồi giáo là khủng bố. Phát biểu trước toàn dân sau khi 2 chiến dịch giải cứu con tin kết thúc hôm 9-1, ông nhấn mạnh: “Những kẻ cuồng tín này không đại diện cho Hồi giáo”.
Ngược lại, bà Marine Le Pen - thủ lĩnh Mặt trận quốc gia (FN) cánh hữu - luôn tỏ ra cứng rắn với người nhập cư. Trong khi ông Hollande kêu gọi đất nước đoàn kết sau thảm kịch, bà Le Pen đóng đinh các vụ tấn công dưới mác “Hồi giáo cực đoan”. Theo đài RT (Nga), mặc cho các nhà bình luận cáo buộc bà Le Pen cố tình đổ dầu vào lửa vì mục đích chính trị, những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà có triển vọng cao cho ghế tổng thống Pháp năm 2017.
Mâu thuẫn của riêng nước Pháp thật ra cũng âm ỉ giữa lòng châu Âu. Hãng tin Bloomberg nhận định châu Âu dễ bị tổn thương vì chuyện dân nhập cư hơn Mỹ. “Châu Âu ngày nay bị bao bọc bởi nhiều khu vực bất ổn - Bắc Phi, vùng Balkan, Trung Đông - và có thể bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng, tội ác và chủ nghĩa khủng bố từ những nơi này” - GS Louise Shelley, thuộc Trường ĐH George Mason (Mỹ), nhận định.
Trái với một số nước Nam Âu cởi mở với người nhập cư như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý..., các nước Bắc Âu không sẵn lòng mở cửa. Chỉ vài phút sau khi biến cố ở Paris bùng nổ, ông Geert Wilders - nhà hoạt động chống đạo Hồi rất được ủng hộ ở Hà Lan - nói như đinh đóng cột: “Phương Tây đang trong chiến tranh và nên nhổ rễ đạo Hồi”. Cũng vì muốn hạn chế dân nhập cư mà Thủ tướng Anh David Cameron thường xuyên có tranh cãi với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo Bloomberg, Đức có thể là “chiến trường” kế tiếp. Tại đất nước có 4 triệu người Hồi giáo này, một cuộc thăm dò cuối năm ngoái cho thấy có tới 57% người không theo đạo Hồi cảm thấy bị đe dọa bởi tôn giáo trên.
Khoảng 18.000 người đã tham gia cuộc tuần hành của phong trào “Người ái quốc châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây” (Pegida) hôm 5-1. Đồng thuyền với Pegida là Đảng AfD có chủ trương bài đồng euro, muốn kiểm soát nhập cư và quy định tị nạn nghiêm ngặt.
Cùng nhiều thủ lĩnh chính trị khác, Thủ tướng Merkel không ngừng kêu gọi người dân Đức tẩy chay các cuộc biểu tình của Pegida mà bà cho là được tổ chức bởi “những người mang thù hằn trong tim”. Đúng như ông Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cực đoan hóa (Anh), nói với tờ The New York Times (Mỹ): “Đây là thời khắc nguy hiểm cho các xã hội châu Âu”.
Bình luận (0)