Báo The Straits Times hôm 19-6 dẫn lời đại tá Arif Badruddin, Chỉ huy Căn cứ Hải quân Ranai trên quần đảo Natuna - Indonesia, cho biết như vậy.
Ít nhất đã xảy ra 3 vụ truy bắt như vậy ở vùng biển này kể từ tháng 3.
Theo vị chỉ huy trên, các tàu chiến của hải quân Indonesia phát hiện tàu cá Yueyandong Yu 19038 mang cờ Trung Quốc trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trong suốt cuộc tập trận hải quân hôm 17-6.
Hải quân nước này cũng phát hiện những tín hiệu radio liên lạc giữa các tàu Trung Quốc trong EEZ của Indonesia và triển khai máy bay trợ giúp xác định vị trí của những kẻ xâm nhập này trước khi phái tàu chiến tiếp cận. Tàu Yueyandong Yu tìm cách chạy trốn khiến tàu chiến KRI Imam Bonjol-383 của Indonesia phải nổ súng cảnh cáo.
Ông Arif cho biết 2 tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) tìm cách can thiệp vụ truy bắt nhưng bất thành bởi 3 tàu chiến khác của Indonesia đã kịp thời tới trợ giúp tàu KRI Imam Bonjol-383. “Đây là lần thứ 3 CCG tìm cách can thiệp hoạt động truy bắt của chúng tôi” - đại tá Arif nói.
Hiện tàu Yueyandong Yu và các thuyền viên bị tạm giữ tại căn cứ Hải quân Ranai để điều tra thêm. Hồi tháng 5-2015, Indonesia từng đánh chìm tàu cá Gui Xei Yu 12661 của Trung Quốc bằng thuốc nổ ở bờ biển Tây Kalimantan.
Theo đài ABC, các ngư dân ở quần đảo Natuna đang hối thúc chính phủ Indonesia bảo vệ quyền lợi của mình trong vùng biển vốn không thuộc khu vực tranh chấp ở biển Đông nhưng cũng bị Bắc Kinh “dòm ngó” này.
Nỗi lo của ngư dân Indonesia là điều dễ hiểu bởi “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc còn “liếm” đến cả vùng biển quanh Natuna.
“Tôi cực kỳ lo ngại bởi tôi đã làm việc ở Natuna từ lâu nhưng đến nay, Trung Quốc nói rằng đây là vùng biển của họ. Tôi tức không chịu được bởi cách đánh bắt truyền thống (không dùng lưới) của chúng tôi không thể nào cạnh tranh được với kiểu giăng lưới vét của họ (Trung Quốc)” - ngư dân Syahrizal, 42 tuổi, cả đời sống bằng nghề chài lưới và đang hành nghề ở khu vực Natuna trong 6 năm qua, bức xúc.
Trong khi đó, ông Zakaria, người đứng đầu làng chài Sabang Mawang ở Natuna, nói với đài ABC rằng chính phủ phải tìm được giải pháp để Trung Quốc không thể đòi chủ quyền phi lý đối với vùng biển này, đồng thời bảo vệ an toàn cho cộng đồng và sinh kế của người dân tại đây.
Trước mắt, Jakarta sẽ cho tăng cường lực lượng bảo vệ vùng biển gần Natuna. Khoảng 800 binh sĩ Indonesia đang canh gác quanh Natuna và dự kiến con số này tăng đến 2.000 người trong năm nay.
Bình luận (0)