Tình trạng người dân không chịu sử dụng nhà vệ sinh đang khiến chính phủ Ấn Độ đau đầu bởi nó đe dọa làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, ô nhiễm môi trường và tấn công tình dục.
Nhà cô Sunita ở làng Mukimpur, phía Bắc Ấn Độ là một trong hàng triệu gia đình được chính phủ hỗ trợ xây nhà vệ sinh hồi tháng 2 nhằm ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, cô Sunita không thể nhớ nổi lần cuối cùng người nhà mình dùng nhà vệ sinh là khi nào.
Quen... về với thiên nhiên
Đã bao năm nay, người mẹ 26 tuổi này cùng 4 đứa con thường đi vệ sinh tại một khu rừng gần trang trại hoa hồng, cũng là nơi mà 7.000 người dân khác trong làng đến “trút bầu tâm sự” và sẵn tiện... trò chuyện cùng nhau. Cô Sunita cho hay tại Ấn Độ chỉ có tầng lớp cấp thấp và cư dân thành phố, nơi không có không gian rộng, mới phải sống gần nhà vệ sinh. Đối đáp trong khi đang giặt đồ gần khu vực vệ sinh tập thể, Sunita dứt khoát: “Nhà vệ sinh không thể để cùng nơi ăn ngủ của chúng tôi”.
Quan điểm của cô Sunita phần nào bộc lộ những thách thức mà tân Thủ tướng Narendra Modi đối mặt trong việc xử lý vấn đề vệ sinh tại Ấn Độ, nơi 600.000 người tử vong vì tiêu chảy mỗi năm trong lúc 1/3 phụ nữ có nguy cơ bị hãm hiếp hoặc tấn công tình dục do đi vệ sinh ngoài trời. Với thực trạng một nửa dân số Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng, ông Modi cam kết sẽ xây thêm 5,3 triệu nhà vệ sinh sau 100 ngày nhậm chức. Thế nhưng xây xong mà nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh không thay đổi thì nỗ lực của ông Modi cũng thành công cốc.
Ông Yamini Aiyar, Giám đốc nhóm nghiên cứu chính sách Sáng kiến trách nhiệm tại New Delhi, nhận định: “Các nhà vệ sinh được xây dựng không có nghĩa là mọi người sẽ sử dụng chúng và nguyên nhân đến từ những yếu tố liên quan đến văn hóa, xã hội và đẳng cấp. Mọi người cần được giáo dục về giá trị của vệ sinh”.
Nguy cơ bị tấn công tình dục
Theo khảo sát từ 3.200 hộ nông dân tại 5 bang nghèo nhất Ấn Độ, hầu hết mọi người đều không đụng đến nhà vệ sinh do nhà nước xây. Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của chính phủ, hiện mới có 7.971 ngôi làng, chiếm 1% tổng số làng ở Ấn Độ, được đánh giá là “sạch sẽ” trong tài khóa 2013 (kết thúc hồi tháng 3-2014). Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan mong muốn chính phủ và các cơ quan cố gắng hơn nữa trong việc giáo dục người dân về những nguy hiểm của tình trạng vệ sinh kém, như phân người có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây ra các bệnh tiêu chảy, tả… Tuy nhiên, điều này chẳng dễ dàng gì bởi theo Bộ Nước uống và Vệ sinh môi trường, hơn một nửa ngân sách dành cho hoạt động giáo dục vệ sinh đã không được chi kể từ năm 1999.
Một nỗi lo khác là phụ nữ có thể đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục khi đi vệ sinh một mình ở những nơi hẻo lánh. Hồi tháng 5, hai cô gái ở làng Badaun, bang Uttar Pradesh đã bị cưỡng hiếp và treo xác lên cây xoài khi đi vệ sinh xa nhà. Vụ việc khiến dư luận thế giới quan tâm. Bà Barbara Frost, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện WaterAid tại Anh, nói: “Vụ tấn công này phản ánh rõ nét những rủi ro mà các em gái và phụ nữ gặp phải khi không có một nơi riêng tư và an toàn để đi vệ sinh. Chấm dứt đi vệ sinh ngoài trời là một ưu tiên cấp thiết”.
Bình luận (0)