icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Ấn khó hiểu

HỒ ANH THÁI

Đi lạc đường thì đừng có hỏi người Ấn. Hầu như người nước ngoài ở Ấn Độ đều đã có kinh nghiệm về việc này. Người thứ nhất chỉ cho bạn một hướng. Đi được vài cây số, bạn hỏi, người thứ hai sẽ chỉ cho bạn hướng ngược lại. Bạn đành quay lại đường cũ.

Nhưng chỉ một lát sau, nếu bạn hỏi người thứ ba sẽ được chỉ một hướng khác hẳn. Rốt cục, rồi cũng đến lúc bạn về được đến nhà. Lúc ấy mới soát xét lại, cả ba người chỉ đường (có khi dăm bảy người) đều chỉ sai.

Người Ấn tốt nhịn. Một tinh thần bao dung, nhẫn chịu chi phối trên toàn xứ sở. Hiếm khi thấy người Ấn nổi giận. Một người giận dữ gào thét thì người kia im lặng lì lợm, cho đến chán thì thôi. Người lái xe lam, lái taxi ranh mãnh đi đường vòng để lấy thêm tiền, bị phát hiện, bị mắng nhiếc, anh ta sẽ nhẫn nhục chịu đựng. Người trả tiền là bề trên. Nhận tiền là người dưới. Một tinh thần đẳng cấp trên dưới đã tồn tại hàng ngàn năm.

Cũng lạ, nơi mọi người đều nhẫn nhịn, nơi ra đời của rất nhiều tôn giáo khuyên người ta bao dung chịu đựng, đồng thời lại là nơi bị bạo lực hủy hoại. Nếu chỉ căn cứ vào những vụ việc đánh bom trên tàu, trên xe, trong các khu chợ... người ta tưởng Ấn Độ tan tành từ lâu. Thực sự là trên một tiểu lục địa có một tỉ dân, những vụ việc hằng ngày ấy như muối bỏ bể. Ta có ở Ấn Độ cả chục năm trời cũng chẳng bao giờ tận mắt thấy một vụ nào. Yên tâm!

Đất nước có hàng trăm ngôn ngữ. Tiếng Anh được chấp nhận là ngôn ngữ văn phòng công sở. Tiếng Hindi là ngôn ngữ toàn quốc. Ngoài ra gần hai mươi ngôn ngữ khác được công nhận là ngôn ngữ chính. Đi về miền Nam Ấn, ta hỏi bằng tiếng Hindi sẽ được người địa phương trả lời bằng tiếng Anh. Điều đó tức là người bản địa hiểu, nhưng cố tình không đáp lại bằng tiếng Hindi. Có một tinh thần địa phương hẹp hòi, sợ văn hóa Hindi của vùng Bắc Ấn sẽ thống trị xuống phương Nam. Có vấn đề Bắc - Nam ở Ấn Độ. Cũng như vấn đề Nam - Bắc ở nhiều nước trên thế giới. Người Bắc Ấn tinh tế, thận trọng và giỏi xã giao. Người Nam Ấn cởi mở, hồn hậu và phóng khoáng.

Gặp bạn bè, người ta bao giờ cũng vui, như là có thể sẻ cửa sẻ nhà cho nhau ngay lập tức. Ngày mai nhé, tôi sẽ giới thiệu ông với một chuyên viên trên bộ, sẽ có chung mối quan tâm. Ngày mai, đúng giờ hẹn, bạn đến đúng địa điểm. Người hẹn không bao giờ đến, cũng không điện thoại giải thích lý do. Hàng tháng sau tình cờ gặp lại, người ta cũng làm như chưa hề thất hẹn. Chuyện trò vui vẻ một lát, lại hứa.

Xin kết thúc bằng một câu chuyện có thể lật ngược những nhận định trên.

Một cô gái Việt Nam thi được học bổng vào Trường Đại học Tổng hợp Bangalore, miền Nam Ấn Độ. Trên máy bay sang xứ Ấn, cô ngồi cạnh một doanh nhân Hàn Quốc điều hành công ty liên doanh ở thành phố phần mềm Bangalore. Ông này hỏi, có ai ra đón cô ở sân bay không, nếu không, tôi có thể đưa cô về trường? Cô từ chối, tin tưởng là người của trường sẽ ra đón.

Đến sân bay, cô gái đứng chờ mãi cho đến khi hành khách đã ra hết. Không có ai đón cô. Ông chủ Hàn Quốc mời cô về nhà ông nghỉ tạm. Trợ lý người Ấn ra đón ông chủ ở sân bay, một thanh niên tên là Ravi, nhanh nhẹn xách đồ lên xe cho cô gái. Cô không còn cách nào khác. Ở thành phố này cô không quen biết ai.

Về đến biệt thự của ông Hàn Quốc, cô gái mới bắt đầu cảm thấy... hiểm họa. Cô đóng hết cửa sổ, lấy ghế chặn cửa phòng, tự đặt mình vào tình trạng khẩn cấp, sẵn sàng chiến đấu.

Ngay từ lúc ở sân bay, trợ lý Ravi nhìn ra ngay vấn đề nan giải. Anh về kể lại cho mẹ và vợ. Bà mẹ là hiệu trưởng một trường phổ thông lập tức lái xe đến đề nghị ông chủ Hàn Quốc “sang tên” cô gái Việt Nam cho bà. Bà giải thích: Cô ấy là con gái, một thân một mình, sang ở với gia đình tôi có nhiều đàn bà, tiện hơn.

Thủ tục chậm trễ, cô sang đến nơi thì trường đã khai giảng hai tuần. Trường không thể nhận người ngoại quốc trễ học như một ngoại lệ. Sinh viên Ấn sẽ biểu tình ngay, vì người Ấn đến nhập học muộn, trường đâu có nhận. Cô gái không còn vũ khí nào khác ngoài nước mắt. Thế là bà mẹ, anh con trai và cô con dâu phải liên lạc về cơ quan bộ ở thủ đô New Delhi, phải “chiến đấu” nhiều ngày. Để cho cô gái khuây khỏa, bà hiệu trưởng dẫn cô đến tham quan trường, thăm các lớp học. Cả lớp đứng lên kính cẩn chào vị khách Việt Nam. Rồi các em học sinh được chuyện trò trao đổi về đất nước Việt Nam, coi như giờ ngoại khóa.

Ba mẹ con Ravi chạy đến tất cả các cơ quan để giúp làm thủ tục. Một hôm, họ đưa cô đến gặp đại diện của bộ trong thành phố. Dặn trước: Gặp ông ấy, trình bày cho cặn kẽ và nhớ khóc cho thật nhiều. Rủi cho cô, ở nhà nước mắt như suối, đến khi cần khóc thì mắt khô không khốc.

Cuối cùng cô sinh viên Việt Nam được chấp nhận chuyển trường về thủ đô. Cô gái sau này là giám đốc sở VHTT một tỉnh miền Bắc Việt Nam. Cô vẫn nhớ mình có một căn phòng trong một gia đình ở Ấn Độ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo