Họ đập phá đồ đạc và đốt lửa trước khi cảnh sát đến dập tắt.
Những người biểu tình Iran tụ tập bên ngoài đại sứ quán trên để phản đối việc Ả Rập Saudi xử tử giáo sĩ dòng Shi'ite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr. Ả Rập Saudi cho rằng giáo sĩ phạm tội khủng bố còn Iran nhận định vụ việc thật phi lý.
Theo thông tin từ ISNA, những người biểu tình sau thời gian tụ tập phản đối đã tiến vào bên trong tòa nhà đại sứ quán Ả Rập Saudi và tiến hành đốt, phá. Những bức ảnh chụp cảnh này được chia sẻ rộng trên trang mạng xã hội và lan tràn khắp nơi. Cảnh sát trưởng Tehran có mặt để vãn hồi trật tự.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari kêu gọi bình tĩnh và nói không nên có nhiều cuộc biểu tình bên ngoài các trụ sở ngoại giao của Ả Rập Saudi tại nước này.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại việc Ả Rập Saudi xử tử giáo sĩ dòng Shi'ite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr. Mỹ cho rằng việc này có thể làm tăng căng thẳng giáo phái và kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Trung Đông phải nỗ lực gấp đôi để giảm căng thẳng leo thang trong khu vực. "Chúng tôi tái khẳng định lời kêu gọi chính phủ Ả Rập Saudi tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đảm bảo thủ tục tố tục tư pháp công bằng, minh bạch trong tất cả các trường hợp” - John Kirby, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố ngay sau khi Ả Rập Saudi xử tử Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người khác tội khủng bố.
Từ Hawaii, nơi Tổng thống Barack Obam và gia đình đang đi nghỉ, Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes cho biết Mỹ đã kêu gọi Ả Rập Saudi kềm chế, tôn trọng nhân quyền, giảm căng thẳng giáo phái.
Phía Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng ngày 2-1 nhận định rằng vụ xử tử Sheikh Nimr al-Nimr sẽ gây ra căng thẳng sắc tộc, ảnh hưởng an ninh khu vực.
Ông al-Nimr là người đi đầu trong cuộc biểu tình chống chính phủ bùng lên ở tỉnh Eastern của vương quốc giàu dầu mỏ trong năm 2011. Phát biểu hồi tháng 10-2014, em trai của ông al-Nimr cho biết ông đã bị buộc tội “tìm kiếm sự can thiệp của nước ngoài” vào vương quốc, “bất tuân lệnh cai trị” và dùng vũ khí chống lại lực lượng an ninh. Các vụ hành quyết 47 người diễn ra tại 12 thành phố ở Ả Rập Saudi và 4 nhà tù bằng các hình thức bắn và chặt đầu.
Đối thủ chính của Riyadh trong khu vực là Iran và các đồng minh ngay lập tức phản ứng. Lãnh đạo Shi'ite ở Iran nói rằng Ả Rập Saudi sẽ “trả giá đắt” về vụ hành hình quy mô này. Trong khi đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố Riyadh đã kích động khủng bố khi hành hình và đàn áp các nhà hoạt động chính trị trong nước. Họ lên án mạnh mẽ việc giết chết ông Nimr. Một lượng lớn cảnh sát Saudi đã được huy động để tăng cường an ninh ở những quận, huyện có nhiều người cùng giáo phái với các tử tù phòng trường hợp biểu tình rộng rãi.
Bình luận (0)