Tại cuộc họp báo hôm 1-12, ông Deshmukh cho biết: “Tôi sẵn lòng từ chức. Nếu trách nhiệm các vụ tấn công này được xác định do thủ hiến bang thì tôi sẽ ra đi”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Shivraj Patil đã từ chức để nhận lấy “trách nhiệm đạo đức” như lời ông nói. Ông Patin đã khiến dư luận nổi giận khi đánh giá sai lầm về hậu quả khủng bố: “Chỉ là những vụ việc nhỏ xảy ra trong những thành phố lớn”.
![]() |
Các địa điểm bị tấn công ở Mumbai (Ảnh: BBC) |
Ông còn châm thêm dầu vào lửa khi phát biểu tại một buổi họp báo: “Bọn khủng bố định giết tới 5.000 người nhưng lực lượng an ninh và cảnh sát dũng cảm đã giảm bớt mức độ thiệt hại”. Thủ tướng Ấn Độ đã chấp thuận việc từ chức của ông Patil nhưng từ chối đề nghị từ chức của cố vấn an ninh quốc gia MK Narayanan.
Có vẻ làn sóng từ chức sẽ còn tiếp diễn vì sự phẫn nộ của dư luận chưa hề thuyên giảm. Theo báo chí địa phương, cùng với những lời kêu gọi từ chức, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu các tay súng đã bị bắt hết chưa. Hiện chỉ mới nhận diện được 10 người, trong đó có 1 người bị bắt sống.
Những vụ tấn công bằng súng và bom đã nhắm vào nhiều địa điểm khác nhau tại Mumbai và kéo dài từ đêm 26-11 đến sáng 29-11, làm thiệt mạng ít nhất 172 người. Hai khách sạn năm sao tốt nhất của Mumbai là Taj Mahal Palace và Oberoi-Trident cùng với một trạm xe lửa đông đúc đã phải hứng chịu những đợt tấn công nặng nề.
Vào ngày 1-12, Mumbai đã trở lại với nhịp sống bình thường khi chợ búa và trường học mở cửa trở lại, còn đường phố lại nhộn nhịp xe cộ qua lại. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm buổi sáng, giao thông đã tắc nghẽn ở nhiều nơi trong thành phố. Các khách sạn bị kiểm soát an ninh chặt chẽ và khách ra vào bị kiểm tra nghiêm ngặt. Nhiều khách sạn còn không cho phương tiện cơ giới đi vào.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa các đảng phái để thành lập một cơ quan điều tra cấp liên bang. Hiện “mũi dùi” đang chĩa về phía Pakistan khi có nhiều dư luận cho rằng các tay súng trên có liên hệ với Islamabad mặc cho nước này ra sức phủ nhận.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đang ở thăm London cũng thúc ép Pakistan hợp tác điều tra. “Tôi không muốn xen vào bất cứ kết luận nào. Nhưng tôi cho rằng đây là thời điểm cần sự hợp tác và minh bạch hoàn toàn”, bà Rice phát biểu.
Bình luận (0)