Bị bắt như thế nào?
Hơn 10 ngày qua, hình ảnh ông Gbagbo mặt mày hốc hác, gò má sưng húp vì hứng chịu một cái tát của lính Lực lượng Cộng hòa Bờ Biển Ngà (FRCI) thân Ouattara, trên mình chỉ còn một chiếc áo thun, vợ ông - bà Simone - bị túm đầu bò lê dưới đất, trong khi binh lính FRCI nhảy múa ăn mừng, tràn ngập trên internet, các mạng xã hội Facebook, Twitter. Kèm theo là những lời bình luận đủ kiểu, phần lớn chê trách ông Gbagbo.
Laurent Gbagbo là một tiến sĩ sử học, từng giảng dạy môn sử ở các trường đại học Pháp. Ông ta từng vào tù ra khám 2 lần vì lý do chính trị, từng sống lưu vong ở Pháp vào thập niên 1980. Bao nhiêu trải nghiệm đó, tuy nhiên, không ngăn cản được tham vọng “sống chết” với chiếc ghế tổng thống mà ông cố bám trong 10 năm qua, không khoan nhượng đối với kẻ thù.
Theo Connectionivoirienne.net, một trang thông tin trực tuyến địa phương, vài giờ sau khi có tin ông Gbagbo bị bắt, có 2 kịch bản khác nhau về chuyện ông Gbagbo bị bắt như thế nào.
Kịch bản thứ nhất, đậm chất điện ảnh Hollywood, khẳng định rằng sau khi dinh tổng thống bị máy bay Pháp ném bom và bốc cháy, ông Gbagbo tìm cách nhảy xuống một chiếc tàu đậu đằng sau dinh, chạy trốn qua ngả hồ Ebrié. Tuy nhiên, do trực thăng chiến đấu Pháp bắn quá rát, kế hoạch này phá sản.
Một người lính FRCI kể lại với phóng viên AFP rằng câu nói đầu tiên của ông Gbagbo là “Xin đừng giết tôi”. Ông ta bị lột áo, được cho mặc áo giáp chống đạn và đội chiếc mũ sắt. Các sĩ quan FRCI giải thích: “Chúng tôi làm như vậy vì có nhiều người muốn hạ sát ông ta”.
Cũng theo người lính nói trên, vợ chồng ông Gbagbo và con trai được chở đến tổng hành dinh của ông Ouattara bằng xe 7 chỗ. Tới nơi, họ bị một số người xông tới đấm đá. Ông Gbagbo thoát nạn nhưng vợ ông bị dính đòn, té xuống đất; Michel Gbagbo, con trai ông, bị đánh tơi tả, thiếu chút nữa bị hành quyết ngay tại chỗ.
Ai bắt ?
Chính thức mà nói, trên đài truyền hình Bờ Biển Ngà (TCI) được cho là thân ông Ouattara, chỉ thấy hình ảnh quân lính FRCI vào tư dinh, vây quanh ông Gbagbo. Tuy nhiên, phía ủng hộ ông Gbagbo cũng như một số chính khách Pháp tin rằng chính lực lượng Kỳ lân, một đơn vị đặc nhiệm của Pháp, đã bắt giữ cựu tổng thống Bờ Biển Ngà. Chuyện lính FRCI xoay quanh bên ông Gbagbo và dẫn độ ông này về khách sạn Golf chỉ là một màn quay phim trình diễn để tránh tiếng cho Pháp vốn là ông chủ thực dân cũ của Bờ Biển Ngà.
Toussaint Alain, cố vấn của ông Gbagbo, hiện có mặt tại Paris khẳng định rằng “lực lượng đặc biệt của Pháp đã bắt Laurent Gbagbo rồi sau đó giao lại cho FRCI”. Ông này đồng thời tố cáo Pháp làm “đảo chính” để cướp “tài nguyên của Bờ Biển Ngà”.
Dĩ nhiên, chính quyền Paris đã bác bỏ những cáo buộc nói trên. Thủ tướng Francois Fillon khẳng định rằng “không có bất cứ quân nhân Pháp nào đặt chân vào dinh tổng thống Bờ Biển Ngà”. Ngay lập tức, trên nhật báo Pháp Le Figaro, ông Francois Loncle, Phó trưởng Nhóm nghị sĩ Đảng Xã hội đối lập phụ trách các vấn đề quốc tế, phản ứng: “Chính phủ đã nói dối một cách thô thiển khi phủ nhận mọi trách nhiệm trực tiếp của nước Pháp”.
Theo Nghị quyết 1975 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhiệm vụ của lực lượng Kỳ lân (1.500 người) là “bảo vệ thường dân” nhưng được phép không kích, giúp FRCI và lực lượng gìn giữ hòa bình ONUCI của Liên Hiệp Quốc chiến đấu chống Gbagbo. Điều này quân đội Pháp đã thực hiện một cách quá hăng hái khiến ông Roland Dumas, cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp, bức xúc: “Sự thật rõ ràng là quân đội Pháp thừa lệnh các nhà chính trị bắt Gbagbo giải giao cho kẻ thù”.
Nhận xét của ông Dumas là một lời khiển trách gián tiếp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Một chuyên gia về châu Phi còn phát biểu trên tuần báo L’Express rằng Pháp đã phạm sai lầm “vì ông Alassane Ouattara có thể bị coi là người của Pháp, do quân đội Pháp dựng lên, rất khó cho ông này tái lập hòa bình ở Bờ Biển Ngà”.
Một bộ phận không nhỏ dân Bờ Biển Ngà vốn dị ứng với “mẫu quốc” cũ. Điều này giải thích vì sao hơn 40% cử tri ủng hộ ông Gbagbo, người chủ trương bài Pháp.
Bình luận (0)