Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua luật mới cấm người sử dụng lao động liên lạc với nhân viên sau giờ làm việc, nhằm thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn trong bối cảnh gia tăng lao động làm việc tại nhà vì đại dịch Covid-19.
Cấm làm phiền sau giờ làm
Theo quy định mới ban hành vào tuần qua, công ty có trên 10 nhân viên sẽ bị phạt tiền nếu sếp của công ty đó liên lạc qua hình thức gọi điện, nhắn tin, gửi email với nhân viên ngoài giờ làm việc theo hợp đồng của họ. Luật mới cũng buộc người sử dụng lao động phải thanh toán cho nhân viên các chi phí phát sinh liên quan đến công việc tại nhà như tiền điện, tiền internet.
Theo luật mới, vấn đề cô đơn của nhân viên khi làm việc từ xa cũng được giải quyết với quy định người sử dụng lao động sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp với nhân viên vài tháng một lần. Nhân viên có con nhỏ sẽ được lựa chọn làm việc tại nhà vô thời hạn mà không cần sự chấp thuận trước của người sử dụng lao động cho đến khi con của họ đủ 8 tuổi.
Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Bồ Đào Nha Ana Mendes Godinho nói chính phủ Bồ Đào Nha muốn tạo điều kiện cho hình thức làm việc từ xa trở nên dễ dàng nhất có thể và thu hút những người lao động mới từ những nơi khác đến quốc gia này.
Tuy nhiên, không phải tất cả đề xuất đều được thông qua tại quốc hội. Dự luật về "quyền ngắt kết nối" cho phép người lao động có thể tắt các thiết bị làm việc đã không được thông qua.
Nhân viên văn phòng sau giờ làm tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản Ảnh: REUTERS
Trước Bồ Đào Nha, Nhật Bản đã áp dụng chính sách giảm giờ làm trong 3 năm qua nhằm giúp tạo điều kiện cho nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản, người dân nước này làm việc trung bình 1.821 giờ trong năm 2020, giảm hơn 116 giờ so với năm 2018.
Số liệu cho thấy nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm giảm thời gian làm thêm giờ không hiệu quả. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc tại Nhật Bản trong năm 2020 đã giảm đáng kể trong nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7).
Cuộc khảo sát chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng đã có gia đình, theo đó việc giảm giờ làm giúp họ có nhiều thời gian dành cho con cái và những hoạt động khác.
Giảm giờ làm nhưng hiệu quả tăng
Chính phủ Nhật Bản trước đó đã đề ra kế hoạch cải tổ việc làm vào năm 2017 và được thông qua vào năm 2018. Theo đó, những quy định về thời gian làm thêm đã được xóa bỏ kể từ năm 2019. Nhiều hình phạt cũng được áp dụng đối với những công ty vi phạm các quy tắc về giờ làm thêm.
Nhật Bản có động thái quyết liệt khi nước này báo động về tình trạng nhiều người trẻ làm việc quá mức dẫn đến kiệt sức và tử vong. Theo chính phủ Nhật Bản, mức lương thưởng cho nhân viên cũng đã tăng 3,8% trong khoảng thời gian 3 năm qua, cho thấy việc giảm giờ làm không khiến thu nhập của người lao động thấp hơn.
Chính quyền Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm một số biện pháp để khắc phục nền kinh tế trì trệ. Do đó, cải cách lối sống và phong cách làm việc của hàng triệu người Nhật Bản đã trở thành phương pháp hữu hiệu mà chính phủ nước này hướng tới.
Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống làm việc nhiều giờ. Công nghệ số và mạng xã hội góp phần khiến người Hàn Quốc có thêm lý do để làm việc nhiều hơn. Viện Lao động Hàn Quốc (KLI) trong năm 2016 ước tính cứ 10 nhân viên văn phòng thì có tới 7 người phải làm việc qua điện thoại thông minh ngoài giờ làm việc.
Nhằm ngăn chặn lề thói gây kiệt sức này, giới chức Hàn Quốc đã đề xuất dự luật cấm liên lạc có tính chất công việc qua điện thoại và tin nhắn ngoài giờ hành chính. Với lựa chọn mang tính thực tế hơn, giới chức trách Hàn Quốc đề xuất nhà tuyển dụng có nghĩa vụ trả thêm thù lao cho các công việc tăng ca qua điện thoại.
Năm ngoái, Công ty Phần mềm Software Delsol trở thành công ty đầu tiên ở Tây Ban Nha cho phép làm việc 4 ngày/tuần. Kết quả cho thấy năng suất của công ty tăng lên, người lao động cũng hạnh phúc hơn. Từ New Zealand đến Đức, ý tưởng này đã và đang ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu.
Có lợi nhiều mặt
Chính sách kinh tế thường niên của Nhật Bản được công bố gần đây bao gồm khuyến nghị cho phép nhân viên lựa chọn làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày/tuần. Chính phủ Nhật Bản cho biết cách làm này có thể giúp các công ty giữ chân nhân viên có năng lực và kinh nghiệm. Việc giảm ngày làm trong tuần cũng sẽ khuyến khích nhiều người bổ sung học vấn, nâng cao trình độ hoặc làm thêm nghề tay trái.
Các nhà chức trách kỳ vọng mỗi tuần được nghỉ thêm 1 ngày sẽ khuyến khích người dân ra ngoài và chi tiêu, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định những người trẻ tuổi cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, kết hôn và sinh con, giúp giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh giảm đáng báo động, dân số giảm và tỉ lệ người cao tuổi ngày càng cao tại Nhật Bản.
Bình luận (0)