Di sản độc hại
Mười năm trôi qua, số người chết vì vụ tấn công táo bạo kể trên vẫn tiếp tục vì tác hại khói bụi mù trời sau khi tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đổ sụp hoàn toàn.
James Zadroga là nhân viên cảnh sát ở New York tham gia cứu nạn, dọn dẹp ở WTC trong những giờ đầu chiến dịch. Ngày 5-1-2006, Zadroga qua đời vì bệnh đường hô hấp. Ông là nạn nhân đầu tiên được chính quyền chính thức công nhận.
Cũng giống như 40.000 tình nguyện viên và những người chuyên nghiệp bao gồm lính cứu hỏa, cảnh sát, công nhân xây dựng, bác sĩ, y tá..., ông Zadroga làm việc trong khói bụi dày đặc mà không có mặt nạ chống khí độc hay thiết bị phòng vệ vì lúc đó không có đủ cho mọi người.
Hơn nữa, ông Zadroga cần phải làm việc khẩn trương để kịp cứu hộ những người sống sót tuy rất ít. Phố Wall và những tòa nhà chọc trời chung quanh WTC cũng cần được giải tỏa để hoạt động trở lại, theo lệnh của chính quyền.
Một tuần sau vụ tấn công, Christine Todd Whitman, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), phát hành thông cáo báo chí khẳng định: “Tôi xin vui mừng thông báo và bảo đảm với người dân New York rằng bầu không khí đã trong lành trở lại, nước sinh hoạt cũng an toàn. Hàm lượng độc chất trong không khí không còn gây hại cho sức khỏe”.
Lính cứu hỏa tại đống đổ nát WTC. Ảnh: AP
Lính cứu hỏa chết nhiều nhất
Nói Zadroga là nạn nhân đầu tiên nhưng thật ra không phải vậy. Theo nhật báo Anh The Telegraph, năm 2003, nhiều người đã bắt đầu chết vì hậu quả của khói bụi. Trong số này, lính cứu hỏa chiếm số đông nhất. Họ chết vì bệnh bạch cầu, u bạch huyết, u tủy. Nhiều người bị ung thư vòm họng và ung thư tuyến giáp.
Steve Cassidy, Chủ tịch Nghiệp đoàn Lính cứu hỏa New York, lúc đó bức xúc: “Chúng tôi đã chôn 10 lính cứu hỏa trong vòng 15 tuần qua, trong đó có 7 người mắc bệnh ung thư. Trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 11-9, tất cả họ là những chàng trai còn trẻ, rất khỏe mạnh”.
Ngày 2-9 vừa qua, tạp chí khoa học Anh The Lancet phát hành số chuyên đề 11-9 đăng tải nhiều công trình nghiên cứu khoa học về tình trạng sức khỏe những người tham gia cứu hộ, cứu nạn tại WTC.
Một cuộc điều tra khác của bác sĩ Juan Wisnivesky, Trường Đại học Y khoa Mount Sinai, New York, cho thấy trong số 27.000 người là cảnh sát, công nhân xây dựng, công chức tham gia công tác cứu trợ có 28% mắc bệnh suyễn, 42% bị viêm xoang mũi, gần 50% bị suy chức năng hô hấp. Về mặt sức khỏe tâm thần, 28% bị suy nhược thần kinh, 32% bị stress hậu sang chấn, 21% bị hội chứng hoảng loạn.
Đã bồi thường 700 triệu USD
Đã có hơn 10.000 người tham gia chiến dịch cứu nạn, dọn dẹp WTC làm đơn tập thể khiếu kiện chính quyền vì hít phải khí bụi độc hại. Vụ kiện này kéo dài 7 năm. Mãi đến tháng 6-2010, các hãng bảo hiểm ở New York mới đồng ý bồi thường 700 triệu USD.
Sau khi cảnh sát viên James Zadroga qua đời, một sắc luật liên bang mang tên ông được thông qua cho phép các nạn nhân như Zadroga hưởng tiền bồi thường thiệt hại. Nhưng sắc luật này chỉ có hiệu lực từ đầu năm 2011 cho nên rất nhiều người chết mà không được hưởng đồng nào.
Theo sắc luật trên, chính quyền New York hứa dành 4,3 tỉ USD để trả viện phí và theo dõi bệnh tình của những người mắc bệnh trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, bệnh ung thư không được tính vào danh sách các bệnh được hỗ trợ.
Sở dĩ có tình trạng tréo ngoe đó là vì tháng 7 vừa qua, Viện Quốc gia về sức khỏe và an toàn Mỹ tuyên bố rằng không có đủ bằng chứng để kết luận rằng phơi nhiễm khí độc ngày 11-9 gây bệnh ung thư bởi vì bệnh này rất phổ biến trong dân cư và có nhiều nguyên nhân khác.
Kỳ tới: Cái giá của 11-9
Bình luận (0)