ĐẾN HỘI AN (QUẢNG NAM) DU LỊCH VÀO NĂM 2003, bà Usuda Reiko (64 tuổi, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Nhật Việt của TP Kawasaki) như bị hút hồn trước vẻ đẹp của từng góc phố, từng mái nhà rêu phong trong lòng di sản. Dù thế, tình trạng ô nhiễm mùi hôi, nhất là ở khu vực Chùa Cầu, khiến bà hụt hẫng. Cũng năm 2003, sau chuyến du lịch Việt Nam, thông qua chương trình hợp tác viện trợ, bà Reiko cùng nhóm bạn kêu gọi các tổ chức Nhật Bản hỗ trợ xe đạp cùng thiết bị văn phòng phẩm giúp trẻ em nghèo tại các trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Cũng từ đó, cơ duyên đưa bà đến với Hội An khi nhóm thiện nguyện cần một người ở Việt Nam làm cầu nối. Năm 2009, bà tình nguyện đến Hội An học tiếng Việt và sinh sống cho đến nay.
Chọn mảnh đất bên bờ sông Hoài thơ mộng, U Café Hội An được xây dựng hướng ra bờ sông với lối kiến trúc theo kiểu nhà cổ truyền Nhật Bản như bày tỏ mong ước của chủ nhân biến nơi đây trở thành địa điểm san sẻ yêu thương. Quán có 3 tầng với tường xây gạch trần, cầu thang gỗ, các cửa sổ, cửa đi chớp lật. Đáng chú ý, mái nhà được thiết kế thành một bể hứng nước mưa tự nhiên. Từ đây, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học được lắp đặt kín kẽ chạy dọc xuống tầng trệt, nơi có 7 bể lọc tự động xử lý nước theo từng công đoạn khác nhau. Với công nghệ xử lý này, nước đã qua sử dụng được xử lý sạch và bơm ngược trở lại các tầng trên để sử dụng vệ sinh hoặc cấp vào các bể cá, thả sen. Các bể lọc ở tầng trệt cũng có nhiệm vụ xử lý nước thải qua sử dụng lần hai đạt độ an toàn trước khi thải ra môi trường.
Trăn trở về môi trường nước ở Hội An, từ năm 2015 đến nay, cứ 2 tuần/lần, bà Reiko phối hợp với nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu nước ở 16 điểm ở TP Hội An phân tích. Công việc này sẽ được thực hiện liên tục trong 2 năm. Sau thời gian đó, khi biết được chất lượng nước ở các điểm lấy mẫu, bà Reiko gửi về Nhật để bạn bè kêu gọi dự án cải thiện chất lượng nước ở Hội An. Hiện nay, bà Reiko cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ và các kỹ năng ứng xử cho các trẻ em đường phố. Bà còn thường xuyên đặt mua vải của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đưa về đính hạt đá, tạo ra các túi xách độc đáo bán lấy tiền giúp trở lại cho các phụ nữ. Riêng việc vận động xe đạp cho trẻ em nghèo ở Quảng Nam và Đà Nẵng, từ năm 2003 đến nay, bà Reiko cùng nhóm bạn đã mang đến cho trẻ em 10.000 chiếc.
TRONG NGÔI NHÀ NHỎ CỦA CHỊ MEGUMI KAWADA (37 tuổi, quê ở TP Kyoto - Nhật Bản) trên đường Nguyễn Thái Học (TP Hội An) đặt cơ sở sản xuất mỹ phẩm, xà bông ogranic (hữu cơ).
Năm 2010, chị Kawada theo chồng là một người Anh đến TP Hội An định cư. Hai người chọn ngôi nhà cách không quá xa khu phố cổ nhưng đủ yên tĩnh cho công việc thiết kế đồ họa và phiên dịch của hai vợ chồng. Ở phố cổ yên bình, tình yêu đơm hoa kết trái khi đứa con trai mang hai dòng máu Anh - Nhật chào đời năm 2012. Cũng từ đây, đôi vợ chồng trẻ gặp rắc rối khi làn da cháu bé nhạy cảm, không thể dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào ở Việt Nam. Chị phải nhờ gia đình gửi từ Nhật sang. Nghĩ rằng không thể cứ tiếp tục như vậy, chị Kawada nảy ra ý định tự chế xà bông rửa chén đĩa, lau bếp.
Theo Kawada, xà bông bếp là sự kết hợp của sáp ong, dầu dừa và dầu ăn đã qua sử dụng nên rất dễ làm mà nguyên liệu không khó tìm. Sau khi làm thành công xà bông bếp, chị Kawada tiếp tục thử sức với loại xà bông dùng cho cơ thể. Đến nay, ngoài xà bông bếp, chị Kawada có các loại xà bông dành cho cơ thể với đủ các loại như hương bạc hà, chanh, sả, quế, nghệ, chùm ngây, cám gạo, cà phê, gấc, yến mạch, sữa chua và xà bông dùng cho mặt. Chị Kawada cũng tự chế các loại mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng da, kem trị ngứa, nước xịt muỗi... được mọi người đánh giá cao. Các sản phẩm mới ra đời không chỉ bảo đảm về chất lượng mà các mẫu mã cũng hết sức đa dạng và được làm hoàn toàn bằng hương liệu tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, mỗi tháng, chị bán được hơn 300 bánh xà bông, 50 hộp kem dưỡng da và một số son môi, kem trị ngứa, kem chống muỗi. Dù chất lượng sản phẩm tương đương ở Nhật nhưng bán giá rất Việt Nam. Chị Kawada hiện vừa dạy vừa tạo việc làm ổn định cho 2 nữ lao động còn rất trẻ với mong muốn các em sẽ truyền nghề cho nhiều người khác. Ngoài ra, chị thường xuyên tổ chức các khóa dạy làm xà bông bếp cho người dân TP Hội An ở quán U café Hội An. “Tôi mong muốn trong tương lai các nhà hàng, khách sạn ở Hội An sẽ sử dụng dầu thừa để làm xà bông. Công việc này khá đơn giản lại tiết kiệm và tránh cho môi trường phải hứng chịu lượng dầu thải hết sức độc hại” - chị Kawada chia sẻ.
ĐƯỢC CỬ ĐẾN HỘI AN LÀM TÌNH NGUYỆN VIÊN cho Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chưa đầy nửa năm nhưng chị Mizuho Umetsu (35 tuổi, quê ở Tokyo, Nhật - Bản) cảm thấy Hội An như quê hương mình. Thông qua Phòng Tài nguyên và môi trường - nơi Umetsu làm việc, cô gái Nhật Bản đang xây dựng và triển khai đề án giảm thiểu rác thải thông qua phương pháp sản xuất phân compost từ rác hữu cơ.
Phương pháp làm phân compost mang tên Takakura mà chị Umetsu giới thiệu cho người dân Hội An hiện đang được sử dụng ở ít nhất 20 quốc gia.
Ban đầu, người làm phải chuẩn bị một số vật liệu như sữa chua, đường, nước tương, sữa Yakurt, men khô làm bánh mì và một bình 20 lít nước để làm dung dịch lên men. Tiếp đến, trộn dung dịch lên men với trấu, cám gạo, đất mùn và nước rồi ủ từ 3-5 ngày cho vi sinh vật phát triển. Sau đó, cho các chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, trái cây hỏng, bột thải cà phê... vào ủ một thời gian sẽ cho ra loại phân bón chất lượng.
“Khi mới đến Việt Nam, tôi hết sức bất ngờ khi thấy người dân rất lo lắng về chất lượng rau quả. Nếu người dân biết tận dụng rác thải làm phân để bón rau trong vườn thì không phải lo ngại ăn rau độc hại nữa” - chị Umetsu nói.
Cách làm này rất thuận lợi ở Việt Nam vì có đến 2-3 vụ lúa/năm, không lo thiếu các nguyên liệu làm phân bón như trấu, cám gạo. Người dân sẽ biết phân loại rác để tránh lãng phí khi mỗi năm thải ra rất nhiều rác hữu cơ.
Theo chị Umetsu, ở Nhật Bản, các nhà hàng, khách sạn thường cung cấp rác hữu cơ cho người dân làm phân bón trồng rau, sau đó người dân bán rau sạch ngược trở lại cho nhà hàng. Cách làm này hai bên cùng có lợi và rất hiệu quả nên chị đang lên kế hoạch để liên kết giữa người dân với các nhà hàng ở Hội An. Hiện nay, ngoài tham gia các công việc của Phòng Tài nguyên và môi trường Hội An, thời gian rảnh, chị Umetsu thường xuyên đến các trường học trên địa bàn để tuyên truyền cho học sinh về việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng rác thải cũng như các kiến thức bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi hành động để Hội An luôn xanh sạch đẹp để trở thành điểm đến lý tưởng cho các du khách” - chị Umetsu bộc bạch.
Ở bất cứ đâu, bảo vệ môi trường luôn đặt lên hàng đầu và ở Hội An thì điều này là tiên quyết.
Bình luận (0)