Thủ tướng Anh David Cameron hôm 19-9 cam kết sẽ trao thêm quyền lực cho Scotland ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đa số cử tri quyết định ở lại với Vương quốc Anh. Hành động được cho là “hấp tấp” này khiến nhà lãnh đạo Anh vừa trải qua khoảng thời gian “ngồi trên đống lửa” lại đối mặt với sự chỉ trích. Các nghị sĩ Đảng Bảo thủ của ông Cameron cho rằng sẽ là không công bằng với người dân Vương quốc Anh khi London trao thêm quyền kiểm soát về thuế, chi tiêu và phúc lợi cho Edinburgh.
Ông Cameron đã đăng đàn mạng xã hội Twitter chúc mừng các nhà hoạt động của chiến dịch nói “Không” với độc lập ngay khi kết quả kiểm phiếu cho thấy 54% cử tri phản đối Scotland tách khỏi Vương quốc Anh, so với tỉ lệ 46% ủng hộ. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục 84,6%, vượt qua kỷ lục 84% được ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử Anh năm 1950. Báo giới xứ sở sương mù dùng từ “nín thở” để mô tả quãng thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng. Kết quả kiểm phiếu công bố đầu tiên ở vùng Clackmannanshire gây bất ngờ với phần thắng thuộc về phía nói “không”, hoàn toàn trái ngược với các kết quả thăm dò dư luận trước đó. Liên tiếp 3 khu vực công bố tiếp theo cũng tiếp tục gây thất vọng cho phía ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh.
Vào những giây phút không hề dễ chịu như vậy, Thủ hiến Scotland Alex Salmond, lãnh đạo Đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đuổi độc lập, lại lên máy bay riêng về Edinburgh, thay vì ở lại suốt đêm cùng những người ủng hộ ở Aberdeen theo kế hoạch. Báo giới Anh châm biếm rằng thay vì thức cả đêm như nhiều người theo đuổi độc lập cho Scotland, Thủ hiến ASalmond lại lên giường ngủ - đó có thể là dấu hiệu lớn nhất cho thấy ông đã thất bại.
Phát biểu thừa nhận thất bại, ông Salmond nhấn mạnh: “Tôi chấp nhận lựa chọn của người dân và kêu gọi tất cả người dân Scotland chấp nhận phán quyết dân chủ này”. Đồng thời, vị lãnh đạo SNP cũng khẳng định sẽ tiếp tục giữ nhiệm vụ thủ hiến ít nhất là tới cuộc bỏ phiếu tiếp theo vào tháng 5-2016. Tuy nhiên, điều đó cũng khó có thể ngăn cản các chính trị gia đối lập bôi xấu hình ảnh của ông như hình tượng của “con vịt què” - theo cách gọi của giới chính trị Mỹ đối với những vị lãnh đạo thất thế.
Các nhà phân tích cho rằng London cần trao cho Thủ hiến Scotland và Đảng SNP toàn quyền kiểm soát chính trị nội bộ, dù điều đó có thể không dập tắt được những lời kêu gọi về một cuộc trưng cầu dân ý khác. "Dù chiến dịch ủng hộ độc lập thất bại, Thủ hiến Salmond vẫn chiến thắng” - nhà bình luận Andrew Rawnsley viết trên tờ Sunday's Observer.
Lúc này, ông Cameron đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi nguy cơ trở thành “tội đồ” chia cắt Vương quốc Anh khi năm 2012, đã đặt bút ký cho phép Scotland tổ chức trưng cầu dân ý. Hai bên sẽ không phải nói chuyện “chia tài sản” đối với các vấn đề dầu mỏ ở biển Bắc hay đồng tiền chung. Hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident cũng không phải đi đâu cả. Không chỉ xứ sở sương mù cảm thấy nhẹ nhõm, hàng loạt các nước châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bỉ vốn lo ngại Scotland sẽ gây nên hiện tượng domino ly khai đưa bản đồ thế giới trở về thời kỳ Trung cổ, cũng đặc biệt hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng người Scotland đã tránh được “những hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Chủ tịch vùng Catalan Artur Mas hôm 19-9 tuyên bố sẽ ký sắc lệnh kêu gọi cuộc bầu cử đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha vào ngày 9-11. Ông Mas nhấn mạnh việc người Scotland nói “Không” với độc lập không thể ngăn cản bước tiến của người Catalan bởi điều quan trọng là cơ hội được bỏ phiếu đòi độc lập.
Bình luận (0)