Vị khách mời danh dự này là ông Refaai Hamo. Nhà khoa học 55 tuổi này cùng con trai và 3 cô con gái “hạ cánh” xuống Sân bay Detroit, bang Michigan hồi tháng 12-2015 vừa qua và đang xây dựng những “viên gạch” đầu tiên cho cuộc sống mới ở xứ sở cờ hoa. Trước khi theo đuổi giấc mơ Mỹ, ông Hamo bỏ chạy khỏi quê hương của mình ở Syria, sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một trận mưa bom đã cướp mất sinh mạng người vợ và một cô con gái.
Tổng thống Obama bắt gặp câu chuyện về cuộc đời éo le của ông Hamo hồi tháng trước. Ông mắc ung thư dạ dạy nhưng lại không có bảo hiểm y tế để điều trị. Một chiến dịch quyên góp trên mạng do tài tử Ed Norton phát động đã giúp ông và gia đình có 450.000 USD để trị bệnh.
Ông chủ Nhà Trắng gởi lời chia sẻ tới ông Hamo qua Facebook: “Đúng vậy, ông có thể vẫn làm nên điều khác biệt trên thế giới này. Chúng tôi tự hào rằng ông đã theo đuổi giấc mơ ở đây. Chào mừng ông đến với ngôi nhà mới của mình. Ông là một phần của điều làn nên một nước Mỹ tuyệt vời”.
Hôm 10-1, Nhà trắng thông báo Hamo sẽ là một trong 23 khách mời ngồi gần đệ nhất phu nhân Michelle Obama khi Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình. Việc mời ông Hamo tới dự sự kiện này đã đối mặt với sự phản đối gay gắt từ phe Cộng hòa, những người muốn ngăn cản dòng người tị nạn đến từ các nước bị chiến tranh vùi dập ở Trung Đông do lo ngại sự trà trộn của các phần tử khủng bố.
Hai cái tên đáng chú ý khác trong danh sách khách mời là Jim Obergefell và Oscar Vazquez. Một người đấu tranh cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hồi năm 2015 và một người từng nhập cư trái phép vào Mỹ hiện đang phục vụ trong quân đội.
Từ trái qua: Refaai Hamo, Oscar Vazquez và Jim Obergefell, 3 khách mời nổi bật của tổng thống Obama. Ảnh: AP, US Army, New York Times.
Ông Obergefell là một nhân viên bất động sản đến từ TP Cincinnati, bang Ohio. Ông đã khởi kiện bang này vì cấm hôn nhân đồng tính và cuối cùng trở thành nguyên đơn chính khi Tòa án Tối cao hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hồi tháng 6-2015. Trong khi đó, ông Vazquez, công dân Mexico, đến Mỹ qua con đường bất hợp pháp khi còn là một đứa trẻ, đã lấy bằng Cử nhân Kỹ thuật vào năm 2009. Sau đó, ông quyết định trở về quê nhà và tái nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ. Ông đã tham gia vào quân đội Mỹ và phục vụ cuộc chiến ở Afghanistan. Giờ đây ông đã trở thành một công dân Mỹ hợp pháp.
Các vị khách khác bao gồm giám đốc điều hành của Microsoft, ông Satya Nadella. Microsoft đã đóng góp hàng triệu USD vào việc tài trợ giáo dục và tăng mức nghỉ có lương cho nhân viên. Ngoài ra còn có bà Sue Ellen Allen, một cựu tù nhân ở Arizona. Bà là người đã thành lập tổ chức giúp đỡ những người phụ nữ bị giam giữ và được thả tự do tại bang Arizona.
Thông điệp Liên bang năm 2016 sẽ tập trung vào các vấn đề và thử thách định hình tương lai của đất nước hơn là đề xuất các chính sách cụ thể.
Bình luận (0)