Cuối năm 2022, sau mấy năm thuê trọn căn hộ cao cấp 3 phòng ngủ hơn 70 m2 ở một chung cư trên đường Balestier, 2 cô con gái của chị Thu Hà (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) phải chuyển đi xa hơn và dọn vào một phòng nhỏ hơn tại Ang Mo Kio, ở chung với chủ nhà.
Quay cuồng vì "bão giá"
Chủ căn hộ mà chị Thu Hà thuê mấy năm nay yêu cầu mức giá thuê mới là 3.800 SGD/tháng (tương đương 70 triệu đồng) chưa kể điện nước, tăng mạnh so với mức giá 2.700 SGD/tháng (hơn 48 triệu đồng) trước đó.
Để trang trải chi phí này, chị cho một học sinh Việt Nam thuê lại một phòng ngủ. Nay giá nhà lên cao, học sinh kia cũng không thể kham nổi nên cả nhóm đành… tan đàn!
Liên tục trong nhiều tháng nay, Singapore luôn ở trong tình thế không có đủ nhà cho thuê dù mức giá đã tăng trung bình từ 45%-75%, cá biệt có trường hợp tăng đến 100% so với trước dịch COVID-19.
Giá thuê tăng vọt nhưng người muốn thuê vẫn phải giành nhau để xin sắp lịch xem nhà, thậm chí có người giá nào cũng gật mà không cần đến xem nhà.
Không chỉ căn hộ cao cấp, các căn hộ HDB cũng có giá cho thuê tăng chóng mặt. Trong ảnh: Một khu HDB ở đường Mergui
Anh Andy Vũ, một nhà môi giới bất động sản người Việt ở Singapore, cho biết những ngày cuối tuần mấy tháng nay gần như anh và các đồng nghiệp không có thời gian nghỉ, vì khách đổ dồn đi xem nhà thuê.
Lịch xem một căn nhà thường sẽ nối tiếp nhau, người này xem xong đến người kia và nhân viên môi giới có lúc chỉ đứng tại chỗ chào người này rồi đưa người khác vào xem tiếp.
Theo anh Andy Vũ, có những ngôi nhà cho thuê mà danh sách đăng ký xem lên đến hơn 22 người, đó là chưa kể nhiều người bị chủ nhà loại thẳng từ vòng xem hồ sơ cá nhân.
Thông qua bạn bè, tôi được biết về trường hợp một căn hộ executive condo (EC) - một loại chung cư hiện đại hơn các HDB (khu căn hộ do chính phủ xây) khá phổ biến ở Singapore.
Căn hộ 3 phòng ngủ nằm trên tầng 11 này rộng gần 85 m2, gần ga tàu điện ngầm Canberra. Chủ nhà vừa kết thúc hợp đồng 2.600 SGD/tháng (hơn 46 triệu đồng/tháng) và muốn cho thuê với giá 4.500 SGD/tháng (hơn 80 triệu đồng/tháng).
Có hơn 20 người đăng ký xem nhà nhưng mới đến người thứ ba đã đồng ý giá thuê, không những không hề kỳ kèo mà còn chấp nhận bỏ tiền túi ra sửa chữa một số chi tiết trong nhà. Chủ nhà đồng ý ngay tức khắc!
Không chỉ những căn hộ cao cấp tăng mạnh giá cho thuê mà giá thuê nhà ở do chính phủ xây và chỉ có công dân Singapore mới được quyền mua, gọi là HDB nêu trên, cũng leo thang vùn vụt.
Bạn tôi vừa kết thúc hợp đồng cho thuê căn HDB 3 phòng ngủ ở khu phía Bắc Singapore hồi tháng 9 năm ngoái. Giá cho thuê theo hợp đồng cũ là 2.500 SGD/tháng trong khi mặt bằng giá các nhà xung quanh đã bị đẩy lên 3.800 - 3.900 SGD/tháng.
Người thuê nhà của bạn tôi rất mừng khi được gia hạn hợp đồng dù giá mới đã tăng lên thành 3.500 SGD/tháng, bởi dọn đi cũng chưa chắc tìm được chỗ ở khác.
Nguồn cung quá thiếu!
Người thuê nhà ở Singapore, kể cả người nước ngoài (bao gồm người Việt Nam) hay người bản xứ, thường chọn nơi gần trường học cho con rồi mới tính đến yếu tố chỗ làm của cha mẹ. Hết hợp đồng, nếu chủ nhà không chịu cho thuê tiếp thì người thuê cũng chỉ có 60 ngày để đi tìm nhà mới!
Có nhiều lý do khiến giá nhà ở Singapore vốn đã rất cao giờ lại càng cao hơn, bao gồm giá mua lẫn giá thuê.
Với chủ trương an cư lạc nghiệp của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, công dân Singapore khi đăng ký kết hôn sẽ được quyền đăng ký mua một căn hộ HDB mới với giá ưu đãi. Cơ quan Phát triển nhà Singapore (HDB) sẽ tính toán, xây dựng và bán những căn hộ (với giá ưu đãi) này cho công dân quốc đảo - nhà này gọi là BTO.
Các căn hộ BTO liên tục được tung ra thị trường theo tiến độ đã tính toán và bảo đảm nhu cầu ra riêng của công dân đảo quốc sư tử.
Một khu HDB đặc trưng của Singapore
Tuy nhiên, toàn bộ quy trình nhịp nhàng này bị đại dịch COVID-19 làm đảo lộn. Tất cả công trình xây dựng từ công nghiệp đến nhà ở tại Singapore đều do lao động nhập cư đảm nhiệm. Khi đại dịch hoành hành, một số lượng lớn lao động nhập cư mắc COVID-19 và bị cách ly trong khi hầu hết các nước đóng cửa biên giới.
Thế là mọi công trình xây dựng nhà ở của Singapore bị ngưng trệ trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ phân phối nhà BTO vốn cực kỳ đúng hẹn bao nhiêu năm qua.
Năm ngoái, do còn quá nhiều hợp đồng BTO đang chờ nên HDB cho biết tiến độ giao nhà BTO sẽ chậm hơn từ 2-3 năm, kéo theo thời gian chờ trung bình của một dự án từ lúc được đăng ký cho đến khi nhận nhà có thể lên đến hơn 5 năm thay vì chỉ gần 4 năm như trước COVID-19.
Một số ít người nước ngoài ở Singapore trả nhà thuê để về quê tránh dịch nhưng bù lại có rất nhiều công dân Singapore, thường trú nhân Singapore ở nước ngoài hồi hương và họ cũng có nhu cầu thuê nhà để ở. Nhóm khách hàng BTO của HDB đến thời điểm ra riêng mà chưa có nhà cũng chen chân vào thị trường nhà thuê. Dịch lắng xuống, Singpore mở cửa trở lại, lao động nước ngoài tiếp tục đến đây làm việc…
Tất cả yếu tố trên cộng lại khiến nhu cầu thuê nhà ở Singapore nóng hơn bao giờ hết trong khi nhà trống để cho thuê gần như không còn trên thị trường.
Không mua nổi!
Hiếm có người nước ngoài đến Singapore làm việc và sinh sống mua được nhà vì giá quá cao. Người nước ngoài mua căn hộ đầu tiên tại Singapore với giá 1 triệu SGD (gần 18 tỉ đồng), sẽ phải trả thêm khoảng 33% số này cho các loại thuế phí.
Khu căn hộ tôi ở mấy năm nay có 3 hồ bơi, hồ sục nước nóng, sân tennis, phòng tập gym, bãi đậu xe riêng... Căn hộ gia đình tôi thuê là loại 3 phòng ngủ rộng 130 m2, giá thuê gần 5.000 SGD/tháng (khoảng 89 triệu đồng). Tháng 12-2022, căn hộ tương tự căn tôi đang ở nằm ngay tầng trên được ông chủ nhà rao bán với giá thấp nhất là 2 triệu SGD (hơn 35 tỉ đồng). Có 4 gia đình đến xem nhà, trong đó có một gia đình người Singapore gốc Việt. Cuối cùng, căn hộ được bán với giá 2,1 triệu SGD cho một gia đình gốc Hoa.
Do đó, thuê nhà trở thành giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, điều này cũng quá khó trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, lượng nhà trống phù hợp ngân sách của lương lao động phổ thông càng ít ỏi, thậm chí nhiều chủ nhà không muốn cho nhóm đối tượng này thuê vì không được giá.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều lao động Việt Nam liên tục chia sẻ việc bị chủ nhà tự ý hủy cam kết không cho thuê tiếp hoặc đơn phương tăng giá khiến họ buộc phải tìm thêm đồng hương về ở để chia sẻ gánh nặng.
Báo chí Singapore vừa đưa tin một vụ việc, trong đó căn hộ HDB 3 phòng ngủ theo quy định chỉ được ở tối đa 6 người nhưng chủ nhà trong một lần đột xuất đến xem thì phát hiện có đến… 21 người cùng ở trong căn hộ của mình.
Giá thuê nhà sẽ hạ nhiệt?
Giá nhà ở tư nhân tại Singapore trong quý IV/2022 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái giữa lúc thị trường không có các dự án lớn, một số biện pháp hạ nhiệt của chính phủ, lãi suất tăng và dự báo kinh tế toàn cầu suy yếu. Theo Cơ quan Tái phát triển đô thị Singapore (URA), mức tăng này trong quý trước đó là 3,8%. Nếu tính cả năm 2022, giá nhà ở tư nhân tại Singapore tăng 8,6%, giảm so với mức tăng 10,6% năm 2021.
Bà Chritine Sun, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu và phân tích của Công ty Bất động sản OrangeTee & Tie (Singapore), nhận định giá nhà ở không chỉ giảm ở Singapore mà còn tại nhiều nước khác do tác động của việc ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. "Bất động sản khó tránh bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình siết chặt chi tiêu và lãi suất tăng khiến một số người mua tiềm tàng chùn bước" - bà Sun nhận định với kênh Channel NewsAsia (Singapore).
Cũng theo thống kê, giá thuê nhà ở tư nhân đã tăng 7,4% trong quý IV/2022. Tỉ lệ này là 8,6% trong quý trước đó và 29,7% cho cả năm 2022. Thị trường Singapore chứng kiến giá thuê nhà tăng trong hơn 2 năm liên tiếp do cầu vượt cung. Đến năm 2023, theo bà Sun, nguồn cung sẽ tăng đáng kể với 19.291 nhà ở tư nhân mới, tính luôn cả căn hộ EC, tham gia thị trường. Tương tự, ông Lee Sze Teck, chuyên gia tại Công ty Huttons Asia (Singapore) ước tính số lượng nhà ở tư nhân mới được tung ra thị trường năm 2023 dao động từ 10.000-12.000 đơn vị.
Sự gia tăng nguồn cung nói trên có thể giảm bớt sức ép lên giá thuê nhà, nhất là tại các khu vực ngoại ô và rìa thành phố. Bà Sun dự báo giá thuê nhà sẽ tăng khoảng 13%-16% trong năm nay.
Phương Võ
Bình luận (0)