Singapore là đảo quốc nhỏ, kinh tế phát triển nhưng thiếu nguồn lao động, là nơi thu hút đông lao động xuất khẩu từ các nước trong khu vực. Mức lương tháng của họ có sự chênh lệch lớn tùy theo tính chất công việc làm thuê. Một “ôsin” người Indonesia bình quân mỗi tháng được chủ trả 250 đô la Singapore (1 đô la Singapore - SGD = 9.500 đồng). Một công nhân Sri Lanka bốc vác ở bến cảng được 500 SGD. Một công nhân xây dựng Thái Lan được 800 SGD. Tổng hợp các số liệu từ nhiều nguồn qua ngân hàng, dịch vụ gửi tiền, các sứ quán nước ngoài, báo The Straits Times thống kê được số tiền lao động nước ngoài làm thuê ở Singapore hằng tháng gửi về nước bình quân 180 triệu SGD. Indonesia có lực lượng lao động xuất khẩu đông nhất tại Singapore với 100.000 người, hầu hết làm “ôsin”, lương tháng 230 - 500 SGD, mỗi tháng gửi về nước 20 triệu SGD. Philippines có 85.000 lao động gồm 70.000 “ôsin”, hằng tháng gửi về nước 17,5 triệu SGD. Ấn Độ có 100.000 lao động, trong đó có 60.000 công nhân xây dựng, mỗi tháng gửi về nước 27 triệu SGD. Trung Quốc có 80.000 lao động trong các ngành xây dựng, điện tử, dệt may, lương tháng 1.000 - 1.500 SGD, mỗi tháng gửi về gia đình 72 triệu SGD. Thái Lan và Bangladesh, mỗi nước có 40.000 lao động, chủ yếu thuộc ngành xây dựng và điện tử. Số tiền lao động Thái Lan gửi về nước mỗi tháng là 25,2 triệu SGD, gấp đôi so với lao động Bangladesh. Sri Lanka có ít nhất, chỉ 14.000 người làm “ôsin” và dịch vụ ở bệnh viện, mỗi tháng gửi về nước 2,8 triệu SGD.
Bộ Tài chính Singapore cho biết năm 2003, lao động xuất khẩu các nước tại Singapore đã gửi về gia đình họ 9,2 tỉ SGD. Tuy nhiên, 180 triệu SGD hằng tháng họ gửi về nước là qua con đường chính thức, còn gửi “chui” qua mạng lưới ngầm, tiếng địa phương gọi là “hundi” thì lớn hơn nhiều, không thể biết chính xác.
Hầu hết lao động nước ngoài làm thuê tại Singapore đều sống tằn tiện dành dụm tối đa để hằng tháng có tiền gửi về nước nuôi sống gia đình. Bà Quisora, 39 tuổi, đã làm “ôsin” 9 năm ở Singapore, có mức lương tháng 500 SGD đã gửi 300 SGD về nuôi mẹ chồng và 3 con ở Philippines. Nhờ có tiền gửi về mà gia đình bà đã xây được căn nhà ở đàng hoàng. Trường hợp ông Habibur Nayeb, công nhân xây dựng người Bangladesh cũng vậy. Ông làm việc ở Singapore đã 4 năm, mỗi tháng để dành 600 SGD từ mức lương 850 SGD gửi về nuôi vợ và 5 con, ngoài ra còn mua được thửa ruộng 4.900 m2 để cấy lúa.
Lao động xuất khẩu làm thuê là hiện tượng chung hiện nay ở thế giới công nghiệp phát triển. Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, hiện nay toàn thế giới có 86 triệu lao động xuất khẩu, năm 2000 đã gửi về nước họ 100 tỉ USD, trong đó 80 tỉ USD được gửi về các nước đang phát triển. Nguồn tiền gửi nhiều nhất từ Mỹ, Đức, Anh và Pháp. Nước nhận nhiều nhất là Ấn Độ: 10 tỉ USD, Mexico 9,9 tỉ USD, Philippines 6,4 tỉ USD v.v... Riêng với Sri Lanka, số tiền nhận được thật có ý nghĩa: Năm 2003, số tiền 1 tỉ USD do lao động xuất khẩu gửi về là nguồn thu nhập lớn thứ 2 của nền kinh tế quốc dân sau ngành dệt may.
Nhận xét về tình hình lao động xuất khẩu toàn cầu, ông Manolo Abella, giám đốc chương trình di dân của ILO, nói: “Do tỉ lệ sinh sản ở các nước công nghiệp phát triển tiếp tục sút giảm, nguồn lao động xuất khẩu từ các nước đang phát triển mỗi năm sẽ còn tăng lên rất nhiều”.
Bình luận (0)