Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) chính thức khai mạc hôm 24-8 tại thị trấn Biarritz - Pháp. Hội nghị kéo dài 3 ngày diễn ra trong bối cảnh xuất hiện bất đồng giữa các nước về một loạt vấn đề thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu, nêu bật nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm mang lại kết quả thiết thực tại hội nghị lần này.
Lãnh đạo nước chủ nhà mong muốn các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ tập trung vào vấn đề bảo vệ dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và biến đổi khí hậu, song song đó đã mời các nhà lãnh đạo từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin cùng tham gia nhằm tạo sự thúc đẩy toàn cầu về những vấn đề nói trên. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang, các chính phủ châu Âu nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng như thảm họa cháy rừng ở Amazon có thể khiến chương trình nghị sự của ông Emmanuel Macron bị lu mờ.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, thay vì đàm phán về một tuyên bố chung, G7 sẽ cố gắng thúc đẩy liên minh giữa các quốc gia có thiện chí. Ông Emmanuel Macron hy vọng có thể tránh được kết quả không mong muốn như tại hội nghị hồi năm ngoái ở Canada khi Tổng thống Donald Trump từ chối thông qua bản tuyên bố chung. Hình ảnh Tổng thống Donald Trump khoanh tay một mình ngồi đối diện với các nhà lãnh đạo G7 ở Canada năm 2018 là biểu tượng của sự chia rẽ sâu sắc, khiến giới phân tích chính sách ngoại giao ví là "G6+1" và lo ngại kịch bản cũ sẽ tái diễn cuối tuần này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với ông Donald Trump bên cạnh nhiều lãnh đạo khác trong hội nghị G7 ở Canada hồi năm ngoái Ảnh: Reuters
Vài giờ trước khi lên đường đến Biarritz, ông Donald Trump phản ứng giận dữ trước động thái áp thuế trả đũa lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc, thậm chí còn yêu cầu các công ty Mỹ cân nhắc chấm dứt hoạt động sản xuất tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Chưa hết, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã dọa đánh thuế lên mặt hàng rượu vang của Pháp để trả đũa đòn thuế của chính quyền ông Emmanuel Macron lên các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Theo hãng tin Reuters, tuyên bố mới nhất của ông Donald Trump làm dấy lên hoài nghi đối với thỏa thuận tiềm năng về thuế kỹ thuật số toàn cầu của ông Emmanuel Macron.
Trong cuộc gặp lãnh đạo G7, Tổng thống Donald Trump dự kiến tập trung bàn luận về kinh tế Mỹ để khuyến khích các đồng minh theo mô hình của Washington nhằm ngăn chặn các vấn đề rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Giới quan sát nhận định các cuộc thảo luận sẽ phức tạp khi chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump vốn đã gây ra căng thẳng với nhiều thành viên G7.
Tổng thống Donald Trump cũng dự kiến có cuộc gặp bên lề với một số nhà lãnh đạo thế giới, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đáng chú ý, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có cuộc gặp đầu tiên với ông Donald Trump kể từ khi nhậm chức. Theo đài CNN, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ chọc giận các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bằng việc ủng hộ thẳng thắn vấn đề Brexit. Ông Donald Trump đã thúc giục tân thủ tướng Anh rút nước này khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31-10 tới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại cuộc ly hôn không có thỏa thuận hay "Brexit cứng" sẽ gây hỗn loạn tại các cảng và cửa khẩu biên giới, làm tổn hại cho nền kinh tế của họ.
Giới lãnh đạo châu Âu cũng hoang mang trước thái độ của ông Donald Trump đối với khối EU sẽ thay đổi so với những gì Mỹ đã ủng hộ từ sau Thế chiến thứ hai. Ngoài các vấn đề thương mại, lãnh đạo các quốc gia G7 nhiều khả năng sẽ chia rẽ ý kiến về đề xuất của Tổng thống Donald Trump để Nga tái gia nhập nhóm thành G8. Moscow vốn bị loại khỏi nhóm sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay cả ông Donald Trump và ông Emmanuel Macron đã đồng ý mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Mỹ vào năm sau.
Bình luận (0)