Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết không quân nước này trong ngày 30-9 đã thực hiện khoảng 20 phi vụ không kích xuống 7 khu vực của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Đến ngày 1-10, theo kênh tin tức Al Mayadeen (Lebanon), Nga tiếp tục tiến hành các cuộc không kích ở tỉnh Idlib.
Tranh cãi về mục tiêu
Theo hãng tin RIA Novosti, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẵn sàng cung cấp thông tin về chiến dịch quân sự ở Syria cho tất cả những ai quan tâm. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bác bỏ thông tin về việc Nga không kích các mục tiêu không phải của IS và gây thương vong cho dân thường. Moscow đã yêu cầu Washington trưng ra chứng cớ liên quan đến những cáo buộc này.
Trước đó, theo báo The New York Times, giới chức Mỹ đã phản ứng giận dữ về thông tin các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm phiến quân đang chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong đó có ít nhất 1 nhóm được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng chỉ trích các cuộc không kích của Nga ở Syria nhằm ủng hộ chính quyền ông Assad là hành động đổ thêm dầu vào lửa, đồng thời cho rằng Moscow có thể đã không kích các khu vực không phải của IS.
Trong khi đó, Khaled Khoja, thủ lĩnh phe đối lập ở Syria được phương Tây hậu thuẫn, tố cáo không quân Nga đã làm chết 36 thường dân nhưng không tiêu diệt được phiến quân nào.
Giành lại vai trò chủ đạo
Báo The Wall Street Journal nhận định việc Mỹ cáo buộc Nga tấn công các chiến binh được Washington hậu thuẫn để lật đổ ông Assad có thể làm quan hệ song phương thêm căng thẳng vào thời điểm 2 nước này có cùng kẻ thù là IS. NATO cho rằng có rất ít sự phối hợp giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Theo đài BBC, Mỹ cho biết họ chỉ được phía Nga thông báo 1 giờ trước khi diễn ra các cuộc không kích hôm 30-9 - một động thái được ông Carter mô tả là “không chuyên nghiệp”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiết lộ nước này đã phớt lờ cảnh báo của Nga hôm đó và vẫn tiếp tục không kích IS ở Syria.
Những diễn biến nêu trên khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ giữa chiến đấu cơ Nga và Mỹ trên bầu trời Syria. Để tránh chuyện không hay xảy ra, 2 ngoại trưởng Nga và Mỹ hôm 30-9 cho biết quân đội 2 nước sẽ tiến hành các cuộc họp khẩn. Ông Lavrov nêu bật sự cần thiết phải thiết lập các kênh giao tiếp để tránh những sự cố đáng tiếc ở Syria. Hãng tin Reuters ngày 1-10 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow và Washington có kế hoạch thiết lập một cơ chế khẩn cấp để điều phối hoạt động ở Syria.
Nhận định về ý nghĩa địa chính trị của việc Nga tham gia cuộc chiến ở Syria, báo Vzglyad cho rằng Moscow cuối cùng đã trở thành “trung tâm thiết lập trật tự thế giới ngoài Đại Tây Dương”. Báo Bild (Đức) thì quả quyết qua hành động ở Syria, Nga đã giành lại vai trò chủ đạo trên trường chính trị thế giới. Theo Tạp chí National Interest (Mỹ), sự can thiệp của Nga có thể giúp ổn định chế độ ông Assad, đồng thời buộc những “tay chơi” khác trong khu vực như Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ phải đàm phán với Nga về tương lai của Syria.
Nga dùng gì để đánh IS?
Tình báo Mỹ cho biết không lực Nga đã triển khai ít nhất 34 máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Bassel-al Assad gần TP Latakia, phía Tây Syria, bao gồm 12 máy bay ném bom Su-25, 12 máy bay cường kích Su-24, 4 máy bay tiêm kích Su-30 và 6 máy bay Su-34. Ngoài ra, một số máy bay trinh sát không người lái, trực thăng tấn công MI-24, các tên lửa đất đối không SA-15 và SA-22 cùng xe tăng, xe bọc thép, pháo cối cũng được triển khai bên cạnh khoảng 500 binh sĩ Nga.
Theo Daily Beast, chiến đấu cơ Su-25, Su-24 và Su-34 là những lựa chọn phù hợp để tấn công các mục tiêu của IS. Tuy nhiên, giới phân tích đang thắc mắc về sự xuất hiện của chiến đấu cơ Su-30. Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Philip Breedlove, thừa nhận không thể giải thích được việc Moscow đưa Su-30 tới Syria. “Tôi chưa bao giờ thấy IS có thứ máy bay đủ sức làm đối thủ của Su-30” - ông nói.
Bình luận (0)