Nhà chức trách và các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo virus Ebola dễ dàng lây lan đến nước này thông qua những người nhiễm bệnh đi máy bay. Lúc này, Tây Phi đang chịu đựng đợt bùng phát dịch Ebola lớn và chết chóc nhất từ trước đến giờ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Ebola đã khiến ít nhất 1.200 người nhiễm, trong đó 672 người tử vong, tại các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria kể từ khi bùng phát hồi tháng 2-2014. Tỉ lệ tử vong của dịch bệnh này hiện ở mức 60% nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nó có thể tăng lên 90%.
Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và Chính sách thuộc Trường ĐH Minnesota (Mỹ), cho biết virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến 3 tuần nên có thể dễ dàng xuất hiện ở Mỹ thông qua những hành khách nhiễm bệnh.
Ông Osterholm, từng là cố vấn về chống khủng bố sinh học dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói với báo USA Today: “Nguy cơ ở đây là một người nhiễm virus có thể bay khỏi châu Phi trước khi bị phát hiện ở một nước khác”.
Tuy nhiên, ông Osterholm trấn an rằng Ebola sẽ không là mối đe dọa sức khỏe lớn với công chúng Mỹ bởi cần có sự tiếp xúc gần gũi để virus này lây lan. Theo ông, Ebola thật ra khó lây hơn những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm hoặc sởi.
Các bác sĩ điều trị một bệnh nhân Ebola tại Monrovia - Liberia
Ảnh: AP
Dù vậy, CDC vẫn không dám xem thường khi bắt đầu yêu cầu các cơ sở y tế khắp nước Mỹ để ý những ai có triệu chứng nhiễm Ebola - sốt, đau khớp, tiêu chảy, nôn mửa, xuất huyết… - và cách ly trường hợp bị nghi ngờ từ hôm 28-7.
Công dân Mỹ còn được yêu cầu cảnh giác cao độ khi đến Tây Phi sau khi 2 người Mỹ - một bác sĩ và một nhân viên y tế - bị nhiễm Ebola tại thủ đô Monrovia của Liberia.
Cùng ngày, giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đang được cập nhật thông tin về dịch Ebola tại Tây Phi. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết Washington đã tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống Ebola trong mấy tuần qua, như cung cấp các trang thiết bị y tế cần thiết.
Nỗi lo càng gia tăng sau khi một người đàn ông nhiễm Ebola đã lên được máy bay đến thủ đô Lagos của Nigeria và tử vong ở đó hôm 25-7. Những trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên cũng được ghi nhận tại thủ đô Freetown của Sierra Leone. Lagos và Freetown là 2 trong số những thành phố lớn nhất châu Phi, qua đó đánh dấu bước phát triển đáng báo động của dịch bệnh.
Dịch Ebola cũng tiếp tục đặt một số nước Tây Phi trong tình trạng báo động cao. Chính phủ Liberia vào cuối tuần rồi đã cho đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ. Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất Nigeria là Airk Air quyết định ngưng các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone.
Bình luận (0)