Hôm 20-4, 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vắc-xin nào trong tương lai được phát triển để phòng chống đại dịch Covid-19. Nghị quyết do Mexico soạn thảo và được Mỹ ủng hộ cũng nêu bật "vai trò dẫn đầu then chốt" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cơ quan đang vấp phải những chỉ trích từ Mỹ và nhiều nước khác về cách xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nghị quyết được thông qua kêu gọi tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế để chống lại Covid-19, bao gồm cả lĩnh vực tư nhân. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh các phòng thí nghiệm và hãng sản xuất dược phẩm trên thế giới đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển vắc-xin và thuốc đặc trị chống lại đại dịch đã và đang khiến hơn 170.000 người thiệt mạng và kinh tế toàn cầu lao dốc.
Nghị quyết cũng đề nghị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres xác định và đề xuất những lựa chọn, trong đó có lối tiếp cận nhanh chóng đẩy mạnh chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy và bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng, minh bạch, hiệu quả và kịp thời cũng như hoạt động phân phối các thiết bị bảo vệ, thuốc thử, những hỗ trợ thiết bị y tế cần thiết, các phương pháp chẩn đoán mới, thuốc và vắc-xin phòng chống Covid-19 trong tương lai.
Lao động nhập cư xếp hàng nhận bữa sáng hôm 21-4 tại khu vực cách ly ở Singapore, nơi đang có số ca nhiễm tăng mạnh Ảnh: Reuters
Ảnh hưởng từ Covid-19, theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) hôm 21-4, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể lên đến 265 triệu người. Tác động từ việc mất doanh thu về du lịch, kiều hối giảm, các hạn chế đi lại và biện pháp khác liên quan đến đại dịch Covid-19 có thể đẩy 130 triệu người rơi vào tình trạng đói cùng cực trong năm nay. Theo hãng tin Reuters, hiện số người nghèo đói trên toàn cầu ước tính là 135 triệu.
Trong bối cảnh các nước nôn nóng mở cửa kinh tế trở lại, WHO hôm 21-4 cảnh báo bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa nào nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 cần phải được thực hiện chậm rãi. Theo WHO, nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn đến làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai, nhận định những biện pháp phong tỏa đang chứng minh hiệu quả và người dân phải sẵn sàng thích nghi một lối sống mới nhằm giúp xã hội tiếp tục vận hành trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Ông Kasai nhấn mạnh cho đến khi tìm ra vắc-xin hoặc bất kỳ phương pháp điều trị hiệu quả nào, quá trình thích ứng với đại dịch cần phải trở thành điều bình thường mới.
Quan chức này khuyến cáo chính phủ các nước nên xem xét việc thực hiện quá trình dỡ bỏ những biện pháp phong tỏa này cẩn thận và theo từng giai đoạn, đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh. Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cảnh báo khi virus SARS-CoV-2 còn tồn tại thì không một quốc gia nào an toàn trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Ông Kasai đã lấy ví dụ về Singapore và Nhật Bản, những quốc gia bùng phát làn sóng ca nhiễm mới sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh từ sớm.
Bài học từ Singapore
Singapore hiện có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á sau khi tăng mạnh từ 200 ca nhiễm vào ngày 15-3, thời điểm dịch bệnh gần như được kiểm soát. Theo tờ Straits Times (Singapore), khoảng 4.000 trường hợp nhiễm được ghi nhận chỉ trong 4 ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 9.000. Lao động nhập cư có mức lương thấp - thành phần quan trọng của lực lượng lao động ở Singapore - hiện chiếm ít nhất 60% các ca nhiễm.
Ông Takeshi Kasai cho rằng Singapore và các quốc gia khác trong khu vực sẽ phải đưa ra những quyết định cực kỳ phức tạp. Đó là sự cân bằng giữa các biện pháp ngăn chặn đại dịch và cho phép các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hoạt động trở lại. Tại Nhật Bản, các chuyên gia y tế cảnh báo chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn Covid-19 khi số ca nhiễm đã vượt quá 10.000 dẫu tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn quốc.
Tại Ý, Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 21-4 cho biết trong tuần này sẽ công bố kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19, dự kiến áp dụng từ ngày 4-5. Ông Conte cho rằng việc nới lỏng các hạn chế phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và dữ liệu khoa học, không thể làm theo ý của một phần dư luận, một số nhà sản xuất, một số công ty hay các khu vực nhỏ lẻ. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Úc, Ấn Độ, Iran, Đức bắt đầu nới lỏng phong tỏa cũng như cho phép nối lại một số hoạt động được cho là có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Bình luận (0)