Trong báo cáo "Triển vọng thị trường hàng hóa" công bố hôm 30-10, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu xung đột lan rộng ra bên ngoài Dải Gaza dẫn đến việc lặp lại lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Ả Rập vào năm 1973, giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng.
Theo đài CNBC, WB cho biết với kịch bản "gián đoạn lớn" như thế, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 6-8 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu tăng từ 56%-75%, tương đương mức giá 140-157 USD/thùng.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ 50 năm trước đã khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, sau khi bộ trưởng năng lượng các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu đối với Mỹ để trả đũa việc nước này hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột Ả Rập - Israel năm 1973.
Cũng theo dự báo của WB, trong trường hợp "gián đoạn nhỏ", nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 500.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu lên khoảng 93-102 USD/thùng. Còn kịch bản "gián đoạn trung bình" là giảm từ 3-5 triệu thùng/ngày, khiến giá dầu ở mức 109-121 USD/thùng.
Cơ sở sản xuất của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ở Ả Rập Saudi Ảnh: REUTERS
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cho rằng cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông xảy ra tiếp nối xung đột Nga - Ukraine, được xem là cú sốc lớn nhất đối với thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970. Dù cả Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine không đóng vai trò chủ chốt về dầu mỏ nhưng cuộc xung đột lại diễn ra ở khu vực sản xuất dầu quan trọng.
Báo Guardian dẫn lời ông Gill nhấn mạnh nếu xung đột leo thang, kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ - không chỉ từ xung đột ở Ukraine mà còn từ Trung Đông.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino, ông Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng WB, cho rằng giá dầu neo cao đồng nghĩa với lạm phát giá lương thực, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Dù vậy, theo Reuters, bất chấp tác động tiềm tàng của xung đột Israel - Hamas, hầu hết thị trường chứng khoán ở vùng Vịnh đều kết phiên tăng điểm hôm 30-10 khi chờ đợi kết quả từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chính sách tiền tệ tại 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) thường nối gót động thái của FED về lãi suất do các đồng tiền khu vực đều được neo theo đồng USD.
FED dự kiến công bố quyết định lãi suất vào ngày 1-11 (giờ địa phương). Theo dự báo từ công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME, hơn 96% khả năng FED sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,50%.
Bên cạnh nỗi lo về giá dầu, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ thu hẹp trong tháng 10. Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 31-10 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại nước này đã giảm từ mức 50,2 trong tháng 9 xuống 49,5 trong tháng 10. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 biểu thị sự thu hẹp.
Chỉ số PMI phi sản xuất cũng giảm từ mức 51,7 trong tháng 9 xuống 50,6 trong tháng 10, báo hiệu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng chậm lại.
Ông Zhang Zhiwei, chủ tịch Công ty Pinpoint Asset Management (Hồng Kông - Trung Quốc), lập luận: "PMI sản xuất sụt giảm bất ngờ cho thấy sự phục hồi ở Trung Quốc là con đường gập ghềnh, vì nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu. Trong khi đó, các chính sách trong lĩnh vực bất động sản cần phải được điều chỉnh để tránh gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế".
Bình luận (0)