Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định trong cuộc phỏng vấn với Báo Người Lao Động chiều 3-11: Cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra khi nước Mỹ đang ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt, không giống những cuộc bầu cử trước đây. Nước Mỹ đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng đa chiều về đại dịch Covid-19, kinh tế và sắc tộc.
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về việc số cử tri đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục trong bối cảnh phân hóa sâu sắc ở Mỹ?
Ông PHẠM QUANG VINH:
- Ông PHẠM QUANG VINH: Hơn 96 triệu cử tri đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử trên toàn nước Mỹ, chiếm khoảng 70% của 136,5 triệu cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.
Khi nước Mỹ ngày càng phân hóa, người dân càng muốn bày tỏ ý kiến và thể hiện thái độ với hy vọng một nước Mỹ có thể khác hơn trong tương lai. Một lý do nữa khiến cử tri đi bỏ phiếu sớm là do tình hình dịch Covid-19, họ muốn tránh tập trung đông vào ngày bầu cử 3-11, đồng thời các bang cũng tạo điều kiện cho cuộc bỏ phiếu sớm diễn ra.
* Các cuộc thăm dò mới nhất tại Mỹ cho thấy ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn dẫn trước Tổng thống Donald Trump, trong đó có một số bang chiến trường. Sự chênh lệch tỉ lệ ủng hộ của 2 ứng viên nói lên điều gì?
- Với bài học năm 2016, khi đó cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton của Đảng Dân chủ cũng dẫn trước ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò nhưng lại thất bại chung cuộc, kết quả cuộc bầu cử năm nay khó đoán hơn bao giờ hết. Các yếu tố sai số trong cuộc thăm dò dư luận toàn nước Mỹ, nhóm cử tri do dự và việc bỏ phiếu qua bưu điện khiến kết quả thăm dò trở nên không chắc chắn.
Số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu qua bưu điện tăng nên sẽ mất nhiều thời gian để xử lý và kiểm đếm hơn so với bỏ phiếu trực tiếp. Cuộc khủng hoảng đa chiều tại Mỹ phản ánh sự trông đợi của cử tri khi nhóm cử tri ủng hộ Tổng thống Donald Trump quan tâm về kinh tế và những cử tri ủng hộ ông Biden lại quan tâm cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thêm vào đó, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm chưa thể cho thấy rõ ứng viên nào được lợi hơn và việc này cần phải phân tích sâu hơn. Tuy nhiên, cử tri ủng hộ phe Cộng hòa thường đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử nhiều hơn so với cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ. Chưa kể, nhiều cử tri đi bỏ phiếu nhưng không tham gia các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.
Cử tri đi bỏ phiếu tại Trung tâm Triển lãm Kentucky ở TP Louisville, bang Kentucky ngày 3-11 Ảnh: REUTERS
* Liệu có tranh cãi pháp lý sau ngày bầu cử 3-11 không?
- Trong kịch bản thứ nhất, khi đó một trong 2 ứng viên có chiến thắng cách biệt rõ ràng thì ít xảy ra tranh cãi chính trị. Trường hợp thứ hai, nếu kết quả sơ bộ vào ngày bầu cử cho thấy tỉ lệ chiến thắng sít sao và thời gian kiểm phiếu kéo dài cho đến khi có kết quả cuối cùng, tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Vì thế, khó đoán được kết quả cho đến khi kết thúc quá trình kiểm phiếu tại điểm bỏ phiếu lẫn phiếu bầu gửi qua bưu điện.
* Theo ông, chính sách của nước Mỹ đối với thế giới sẽ thay đổi thế nào hậu bầu cử?
- Dù là Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử thì chính sách của chính quyền mới vẫn bám sát lợi ích căn bản về việc nước Mỹ duy trì vai trò trên toàn cầu.
Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, nước Mỹ sẽ giảm bớt các cam kết cũng như hỗ trợ tài chính cho bên ngoài. Duy trì mục tiêu "Nước Mỹ trên hết", ông Trump có xu hướng theo đuổi chính sách song phương hơn đa phương. Điều này có thể thấy trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thực hiện các thỏa thuận thương mại mới, trong đó có Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mới. Tương tự, chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục tạo ra những bước đi mới trong quan hệ song phương đối với các đồng minh.
Về phần ông Biden, nếu chiến thắng, chính quyền của ông sẽ định hình vị thế Mỹ trong cục diện mới của thế giới nhưng với một cách tiếp cận khác. Ông Biden sẽ dẫn dắt nước Mỹ quay lại con đường ngoại giao truyền thống, trật tự hơn theo quan điểm của Đảng Dân chủ là đề cao hệ giá trị và cơ chế đa phương. Dù khác biệt với ông Trump thiên về song phương nhưng ông Biden vẫn ưu tiên lợi ích nước Mỹ. Với chính quyền do ông Biden lãnh đạo, nước Mỹ có khả năng quay lại các thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Với vấn đề Trung Quốc, quan hệ thương mại và chính sách kinh tế Mỹ - Trung đang bị chính trị hóa ở Mỹ và đây cũng là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Tuy cả hai ông đều khẳng định duy trì đường lối cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử song lại có sự khác biệt về nhiều vấn đề chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại. Chính sách của ông Trump là từng bước cạnh tranh chiến lược, vẫn xem Trung Quốc là đối thủ hàng đầu về kinh tế, công nghệ, ý thức hệ và quân sự. Trong khi đó, ông Biden có thể xoa dịu căng thẳng trước mắt nhưng vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Về chính sách đối ngoại của Mỹ sau năm 2020 đối với châu Á - Thái Bình Dương, khu vực này vẫn nằm trong trọng tâm chiến lược của Mỹ.
* Ông nhận định thế nào về quan hệ Việt Nam - Mỹ sau cuộc bầu cử?
- Quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua đã có những bước tiến dài, vượt bậc trên nhiều mặt. Nhìn lại nhiều năm qua dưới thời các cựu Tổng thống George W. Bush, Bill Clinton, Barack Obama, từ đảng Cộng hòa đến Dân chủ đều có nhiều cơ hội phát triển và cách tiếp cận khác nhau trong quan hệ Việt Nam và Mỹ. Quan hệ 2 nước vẫn có nền tảng tốt để phát triển trong tương lai. Quan hệ với Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ nên dù đảng nào lên cầm quyền cũng tiếp nối đà phát triển mối quan hệ song phương.
Bình luận (0)