Đây không phải là lần đầu tiên 3 ủy viên điều hành của FIFA, gồm Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ Nicolas Leoz, Chủ tịch LĐBĐ Brazil Ricardo Teixeira và Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ CONCACAF Jack Warner dính đến cáo buộc tham nhũng.
FIFA thua lỗ
Trong phiên tòa vào tháng 4-2008 ở Thụy Sĩ xử 6 cựu lãnh đạo Công ty Thể thao và Giải trí quốc tế (ISL - có trụ sở ở Thụy Sĩ), đối tác tiếp thị bán bản quyền truyền hình các giải đấu do FIFA tổ chức, chủ yếu là VCK World Cup, các bị cáo khai rằng đã hối lộ khoảng 17,75 triệu USD cho một vài quan chức thể thao cấp cao từ tháng 6-1999 đến tháng 1-2001 để nhận được những hợp đồng lớn.

Một trong những cuốn sách viết về các nghi án tham nhũng ở FIFA
Trong số những người bị khai là nhận hối lộ có Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ N. Leoz, với 2 lần nhận tiền khoảng 130.000 USD. 2001 cũng là năm ISL phá sản với số nợ lên đến 1,5 tỉ USD, làm FIFA thiệt hại 300 triệu USD. Vụ này khiến uy tín của FIFA năm 2002 bị tổn hại khi 13/24 ủy viên điều hành đòi chủ tịch S. Blatter, đang vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai, mở cuộc điều tra trước những thông tin FIFA phải xài lạm vào tiền quỹ có được từ bán bản quyền truyền hình VCK World Cup 2006.
Chủ tịch LĐBĐ Brazil R. Teixeira, con rể của cựu chủ tịch FIFA Joao Havelange, từng là trung tâm của cuộc điều tra tham nhũng do một ủy ban của Chính phủ Brazil thực hiện năm 2001. LĐBĐ Brazil của ông Teixeira bị kết luận là “một nhóm tội phạm, vô tổ chức, độc quyền, không trung thực và thiếu năng lực”.
Phó Chủ tịch FIFA J. Warner dính đến nghi án tuồn vé trận giao hữu Trinidad & Tobago – Anh vào tháng 6-2008 cho con trai Daryan bán ra chợ đen với giá 100 USD/vé. Điều đáng nói là năm 2006, cha con ông Warner được FIFA cho phép mua hơn 5.000 vé xem VCK World Cup cùng năm và nghe đâu đã kiếm lời khoảng 3 triệu USD.
Chủ tịch FIFA mua phiếu bầu năm 1998?
Trong vụ ISL hối lộ các quan chức FIFA, danh tính của Chủ tịch FIFA S. Blatter không được đề cập nhưng với tư cách là người đứng đầu, ông không thoát khỏi sự nghi ngờ. Trước khi được bầu vào ghế chủ tịch FIFA năm 1998, ông Blatter là một trong những lãnh đạo FIFA ủng hộ sự hợp tác với ISL đối tác chỉ nhận được 9 phiếu thuận so với 6 phiếu chống (3 ủy viên bỏ phiếu trắng, 2 vắng mặt).

Biếm họa về nghi án bán phiếu bầu tại FIFA sau thông tin của báo Sunday Times (Anh)
Ông Blatter được cho là có quan hệ hữu hảo từ lâu với các lãnh đạo của ISL. Sở dĩ trong vụ ISL không có quan chức FIFA nào bị ảnh hưởng một phần vì theo Tổng Thư ký FIFA nhiệm kỳ 1998-2002, ông Zen Ruffinen, những hồ sơ và thông tin về tài khoản liên quan cho đến trước năm 1998 – thời kỳ ông Blatter làm tổng thư ký cho chủ tịch Havelange – đều bị thất lạc! Điều bất thường là các công ty kiểm toán cũ của FIFA cũng không lưu những thông tin này, dù luật ở Thụy Sĩ quy định chúng phải được lưu trữ tối đa 10 năm.
Không chỉ chỉ trích Chủ tịch S. Blatter không trung thực về tình hình tài chính của FIFA năm 2002 sau vụ ISL sụp đổ một năm trước đó, ông Ruffinen còn ám chỉ “sếp” người Thụy Sĩ dính đến nghi án chi tiền để mua phiếu bầu từ 18 LĐBĐ thành viên châu Phi. Nhờ đó, ông Blatter vượt qua đối thủ Lennart Johansson (Chủ tịch LĐBĐ châu Âu) để trở thành chủ tịch FIFA trong cuộc bầu cử năm 1998 tại Paris với tỉ lệ 111 so với 80.
Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 5-2002, ông Blatter thừa nhận từng đưa tấm séc 25.000 USD cho một cựu trọng tài người Niger để che giấu thông tin về vụ từng chi tiền cho quan chức bóng đá Somalia Farah Addo, người cho biết đã nhận tiền để bỏ phiếu cho ông Blatter năm 1998. Tuy nhiên, trên mặt báo, ông Blatter cho rằng ông chi tiền với mục đích nhân đạo và hoàn toàn lấy tiền túi.
Tổng Thư ký FIFA Z. Ruffinen cũng cho rằng ông Blatter lợi dụng chương trình Goal, giúp đỡ các nước bóng đá đang phát triển (Việt Nam cũng nằm trong số này) để tranh thủ sự ủng hộ, đặc biệt trước các cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế thể thao cho rằng sau đó, FIFA “lấy lại” chi phí bằng cách liên tục tăng giá bán bản quyền truyền hình các VCK World Cup!
Vì thế, mặc cho các nước chủ nhà World Cup luôn than thở vì lỗ tiền tỉ USD sau mỗi kỳ đăng cai nhưng FIFA luôn thắng đậm nhờ tăng tiền bản quyền. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông Blatter tại vị đến nhiệm kỳ thứ 3 và đang vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ 4, với thời điểm bỏ phiếu diễn ra vào ngày 1-6 tới, dù FIFA và bản thân người đứng đầu dính vào nhiều nghi án tham nhũng!
Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan mất chức
Trước khi chứng cứ cáo buộc mới nhất từ nước Anh đến với FIFA, ủy viên điều hành Worawi Makudi đã mất ghế chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT).
Theo thông tin từ Báo Bangkok Post số ra hôm qua, 13-5, Tổng cục Thể thao nước này (SAT) đã miễn nhiệm chức vụ của ông Worawi và cho rằng việc hủy cuộc bầu cử chủ tịch FAT vào thứ sáu tuần trước là phi pháp vì không nhận được sự ủng hộ của 2/3 số đại diện tham gia bỏ phiếu.
Nhiệm kỳ của ông Worawi đã hết vào cuối năm 2010 nhưng do không tổ chức bầu cử trong vòng 90 ngày, ông đã bị miễn nhiệm, theo luật từ năm 1985 của SAT và quy định của FAT. Phó Tổng Cục trưởng SAT, ông Somkid Pinthong, cho biết SAT có thể sẽ đứng ra tổ chức bầu cử chủ tịch FAT trong vòng 2 tuần tới.
Đại diện của FAT chưa đưa ra bình luận nhưng ông Worawi, đang ở nước ngoài, dự kiến sẽ trả lời báo chí vào ngày 16-5 xung quanh sự kiện này.
Vị chủ tịch 50 tuổi của FAT từ chối cáo buộc cho rằng ông muốn được kiểm soát bản quyền trận giao hữu Thái Lan – Anh để bỏ phiếu cho nước Anh trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn chủ nhà World Cup 2018 (cuối cùng về tay nước Nga). |
Bình luận (0)