Một vị phụ huynh (PH) đã chi tới 6,5 triệu USD - trong bê bối tuyển sinh ĐH lớn nhất nước Mỹ, vẫn còn là bí ẩn sau 2 tuần các công tố viên liên bang nước này truy tố 50 người dính líu tới đường dây chạy trường hàng chục triệu USD.
Không được tiết lộ
Theo Los Angeles Times, ông bố hay bà mẹ giàu có này đã chi một số tiền gây sửng sốt để dọn đường cho con vào các trường ĐH hàng đầu. Tên của những trường liên quan tới trường hợp này đang được giấu kín. Trong khi các công tố viên có đề cập tới nhân vật chi 6,5 triệu USD này tại phiên tòa hôm 12-3 và tại cuộc họp báo theo sau đó, hàng trăm trang cáo trạng cũng không hề đả động tới tên tuổi của PH bạo chi trên.
Sinh viên xếp hàng tại một trường đại học Mỹ Ảnh: AP
"Cái tên này không được tiết lộ" - người phát ngôn của Văn phòng Luật sư Mỹ ở Boston, bà Christina Sterling, trả lời báo New York Post qua thư điện tử. "Chúng tôi không gắn số tiền này với một cái tên nào cả. Điều đó không được công khai" - bà Sterling khẳng định, đồng thời cho biết sẽ không trả lời liệu người được cho là đã chi số tiền khổng lồ này có nằm trong số những người bị truy tố trong đường dây hay không. 33 PH gồm các lãnh đạo doanh nghiệp và không ít nhân vật nổi tiếng trong số 50 người bị truy tố đã bị nêu tên.
Tuy nhiên, vị PH bí ẩn nhiều khả năng không nằm trong số đó bởi hồ sơ tòa án cho thấy không có ai trong 33 PH này trả số tiền lên tới 6,5 triệu USD. Theo luật sư Andrew Lelling tại phòng công tố bang Massachusetts, trường hợp này vẫn đang được điều tra. Trong khi đó, một nguồn tin nói rằng giới chức trách liên bang đang yêu cầu không đưa bất cứ cái tên nào vào các cáo buộc tại tòa liên bang ở Boston.
Theo truyền thông địa phương, nhiều PH bị truy tố đang chịu sức ép từ các công tố viên để tìm thêm manh mối những kẻ khác dính líu tới đường dây gian lận tuyển sinh chấn động nước Mỹ. Hiện chưa rõ chính xác bao nhiêu người liên quan tới vụ bê bối do William Rick Singer cầm đầu với hơn 700 khách hàng. Những PH giàu có được cho là đã tuồn tiền cho Singer để giúp con em họ gian lận trong các bài thi đánh giá năng lực trung học (SAT) hay kỳ thi đầu vào ĐH (ACT) và làm giả hồ sơ thể thao.
Tại tòa, Singer đã nhận tội cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh này. Công ty Edge College & Career Network của ông ta thu phí từ 100.000 đến 2,5 triệu USD cho mỗi trường hợp chạy trường. Số tiền này được chuyển vào một quỹ từ thiện giả mạo cũng do Singer quản lý. Trong số những PH chi tiền "mua chuộc" ban tuyển sinh ĐH, có các nhân vật thu hút nhiều sự chú ý như: hai nữ diễn viên Hollywood Felicity Huffman và Lori Loughlin cùng chồng là nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli.
Cho thôi học
Trong nhiều trường hợp, sinh viên (SV) không hay biết cha mẹ đã gian lận để đưa họ vào các trường ĐH. Theo tiết lộ của trang TMZ, cả 2 cô con gái của nữ diễn viên Lori Loughlin quyết định sẽ nghỉ học tại ĐH Southern California (USC). Theo các nguồn tin, 2 cô gái trẻ vấp phải nhiều áp lực trên mạng xã hội và cuộc sống bị hủy hoại sau khi vỡ lở chuyện cha mẹ mình bị cáo buộc lo lót hàng trăm ngàn USD để họ vào USC. Nhiều bình luận gay gắt trút vào trang cá nhân của họ như: "Có người tài năng lại không được vị trí ở một ngôi trường xứng đáng chỉ vì gia đình cô", hay "Đừng nghĩ giàu có là có thể làm mọi chuyện"…
Theo luật sư, số phận của những SV tại các trường ĐH có liên quan tới vụ việc vẫn chưa được quyết định. "Đối tượng phạm pháp chính trong vụ lừa đảo lần này là các bậc PH và các bị cáo khác" - công tố viên Lelling cho biết. Tuy nhiên, có thể một vài SV sẽ đối mặt với những cáo buộc. Trong khi đó, USA Today đưa tin ĐH Yale (bang Connecticut - Mỹ) đã đi đầu trong nỗ lực xử lý rốt ráo SV liên quan tới bê bối này khi đưa ra quyết định cho thôi học một nữ sinh hôm 27-3, sau khi gia đình em này bị cáo buộc hối lộ 1,2 triệu USD cho đường dây chạy trường. Đây là quyết định xử phạt đầu tiên của một trường ĐH trong vụ bê bối chạy trường gây phẫn nộ liên quan tới hàng loạt ĐH tên tuổi như Stanford, Yale, Georgetown…
ĐH Yale từ chối tiết lộ danh tính của nữ SV nói trên, vốn chỉ xuất hiện là "thí sinh 1" trong cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Rudy Meredith, cựu huấn luyện viên đội bóng bầu dục tại ĐH Yale. Meredith nằm trong số 50 người bị truy tố trong đường dây chạy trường. Huấn luyện viên này đã nghỉ việc từ tháng 11-2018 và bị cáo buộc làm hồ sơ giả cho 2 thí sinh nhưng chỉ một người trúng tuyển. Meredith nhận 400.000 USD từ trường hợp trót lọt này. Trong khi Yale đã có động thái đầu tiên thì nhiều trường ĐH bị liên lụy khác vẫn đang "trong tình trạng kiểm tra".
Sinh viên "chơi đúng luật" đòi bồi thường
Liên quan đến vụ bê bối này, một số SV bắt đầu khởi kiện các trường ĐH danh tiếng như: Yale, Georgetown, Stanford, Southern California, California ở Los Angeles, Texas (UT) ở Austin, Wake Forest và San Diego. Những nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho công sức mà họ bỏ ra vì hoạt động tuyển sinh thiếu công bằng và đòi được hoàn lại toàn bộ phí nộp đơn. Họ muốn đại diện cho tất cả SV ứng tuyển trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2018 đã đóng phí ứng tuyển và bị các trường ĐH nói trên từ chối. Đây là khoảng thời gian được xác định đã diễn ra hoạt động của đường dây chạy trường vừa bị phanh phui.
Theo The Guardian, các SV cho rằng những thí sinh "chơi đúng luật" lại trở thành nạn nhân của một hệ thống, trong đó các PH nổi tiếng và giàu có hối lộ để con em vào các trường ĐH. "Các trường thu phí ứng tuyển của thí sinh nhưng lại không có những bước đi thích đáng để bảo đảm quy trình tuyển sinh diễn ra công bằng, không lừa đảo, gian lận, hối lộ và thiếu trung thực" - đơn kiện của tập thể SV nêu. Trong khi đó, các trường ĐH xuất hiện trong bê bối này cũng cho rằng họ là nạn nhân và đã sa thải hoặc đình chỉ những cá nhân của trường dính líu tới vụ bê bối.
Bình luận (0)