Reuters ngày 20-5 trích dẫn nguồn tin thân cận Nhà Trắng cho biết thông tin trên.
Tổng thống Trump từng nói rằng việc Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Robert Mueller tiến hành cuộc điều tra đặc biệt nói trên là hành động "gây tổn hại nặng nề đến Mỹ".
Chỉ vài giờ sau khi ông Mueller được bổ nhiệm vào hôm 17-5, Nhà Trắng bắt đầu xem xét Bộ Quy định Liên bang, trong đó có nội dung ngăn các luật sư mới được chính phủ thuê tiến hành điều tra khách hàng của công ty luật mà họ làm việc trước đó trong vòng 1 năm tính từ thời điểm tuyển dụng.
Hồi tháng 1 qua, ông Trump ký sắc lệnh mới kéo dài thời gian này lên 2 năm.
Công ty luật trước đó của ông Mueller – WilmerHale – đại diện cho con rể của ông Trump là Jared Kushner và ông Paul Manafort, cựu quản lý ê-kíp tranh cử của ông Trump. Ông Kushner từng gặp gỡ một giám đốc ngân hàng Nga vào tháng 12-2016 trong khi đó, ông Manaforf đang là đối tượng của một cuộc điều tra liên bang.
Ông Robert Mueller. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia nói rằng Bộ Tư pháp có thể miễn áp dụng quy định này đối với ông Mueller, qua đó cho phép ông tiến hành điều tra. Nếu không, ông Mueller sẽ bị cấm điều tra ông Kushner lẫn ông Manafort và điều này có thể làm giảm đáng kể phạm vi của cuộc điều tra đặc biệt.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Mueller được Bộ Tư pháp "bật đèn xanh", Nhà Trắng có thể cân nhắc sử dụng quy định đạo đức nói trên để chất vấn về việc liệu ông Mueller có điều tra một cách công tâm hay không. Các cố vấn luật pháp của chính quyền Tổng thống Trump đã được yêu cầu tìm hiểu xem liệu có cơ sở cho điều này hay không, theo nguồn tin mật.
Con rể Tổng thống Trump, ông Jared Kushner. Ảnh: Reuters
Ông Paul Manafort. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, Nhà Trắng không loại trừ khả năng sử dụng quy đinh đạo đức nhằm thách thức những kết quả cuộc điều tra được ông Mueller đưa ra tại tòa trong trường hợp cuộc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố.
Khi công bố quyết định bổ nhiệm ông Mueller vào tuần này, Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein khẳng định ông Mueller sẽ có "mọi nguồn lực phù hợp để tiến hành và hoàn tất cuộc điều tra".
Nhà Trắng vẫn chưa bình luận về những thông tin nêu trên của Reuters.
Tỉ lệ ủng hộ ông Trump tiếp tục lao dốc
Theo kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến được hãng tin Reuters/ Công ty Ipsos công bố vào hôm 19-5, tỉ lệ ủng hộ ông Trump rơi xuống mức thấp chưa từng thấy sau khi ông bị cáo buộc xử lí kém thông tin mật và can thiệp vào cuộc điều tra của FBI.
Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 14-5 đến ngày 18-5 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump hiện là 38% trong khi tỉ lệ phản đối là 56%. 6% còn lại không ủng hộ cũng không phản đối.
Trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Trump vẫn nhận được tỉ lệ ủng hộ cao. Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao của đảng này không còn ủng hộ ông Trump sau các sự kiện diễn ra vào tuần qua. Cũng trong nội bộ đảng Cộng hòa, tỉ lệ phản đối ông Trump hiện là 23%, tăng 7% so với tuần trước. Đây được xem là lí do chính khiến tỉ lệ ủng hộ chung của ông Trump hiện tại rơi xuống mức thấp nhất.
Cuộc khảo sát Reuters/Ipsos được tiến hành với sự tham gia của 1.971 người trưởng thành, trong đó có 721 thành viên đảng Cộng hòa và 795 thành viên đảng Dân chủ.
Bình luận (0)