Giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc sớm nhận định bản án tử hình nhưng hoãn thi hành án 2 năm đồng nghĩa với tù chung thân nếu bà Cốc không phạm thêm tội gì khác trong 2 năm tới hoặc 25 năm tù nếu bà cải tạo tốt.
Tuy nhiên, dựa trên nhiều trường hợp của các nhân vật chính trị trước đó, nhiều khả năng Cốc phu nhân chỉ phải ngồi tù 9 năm, sau đó “hạ cánh an toàn” vì lý do sức khỏe.
Bà Cốc Khai Lai nhận tội tại tòa án thành phố Hợp Phì ngày 9-8 (Ảnh: CCTV)
"9 năm kể từ bây giờ, nếu Cốc Khai Lai có thể chứng minh mình bị bệnh nặng thì bà ấy sẽ có đủ cơ sở pháp lý để được thả” - ông Joshua Rosenzweig, chuyên gia về hệ thống án hình sự Trung Quốc của Đại học Hồng Kông, nhận định.
Nổi tiếng nhất trong những trường hợp này phải kể đến Giang Thanh, vợ góa của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Bà này cũng lãnh án tử “treo” vì vai trò trong cuộc Cách mạng Văn hóa khét tiếng (1966-1976) và được phóng thích khỏi nhà tù Tần Thành năm 1991 sau 10 năm ngồi tù vì lý do nhân đạo y tế. Tuy nhiên, bà Giang tự sát trong bệnh viện cùng năm được thả ra.
Diễn biến vụ xử bà Cốc cho thấy nhiều dấu hiệu của một thỏa thuận ngầm. Bà nhận tội, không kháng cáo - được xem là bằng chứng của việc chấp nhận một mức án công khai để nhận khoan hồng sau hậu trường. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin chính bà Cốc đã công nhận tại phiên tòa với giọng điệu trầm tĩnh: “Đây là bản án công bằng. Nó thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với luật pháp, sự thật và cuộc sống”.
Ngoài ra, có tin nói bà đã “cung cấp nhiều chứng cứ về việc vi phạm luật pháp và kỉ luật của những người khác cũng như đóng vai trò tích cực trong các cuộc điều tra liên quan”. Theo nhiều nhà quan sát, điều này có nghĩa là bà đã khai ra nhiều thông tin về ông chồng Bạc Hy Lai.
Phóng viên giành giật bản án của bà Cốc Khai Lai ngày 20-8. Ảnh: AP
Bà Cốc có thể thụ án tại nhà tù Tần Thành ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi giam giữ nhiều nhân vật “ngã ngựa” tiếng tăm. Đây cũng là nơi bố chồng của bà, ông Bạc Nhất Ba, từng bị giam trong thập niên 1960 vì những bất đồng với chủ tịch Mao Trạch Đông.
Rất ít thông tin về nhà tù Tần Thành và số lượng tù nhân tại đây. Theo mô tả của một bài báo hiếm hoi hồi tháng 5 trên tờ nhật báo Kinh tế Thâm Quyến, phòng giam trong nhà tù Tần Thành rộng khoảng 20 mét vuông, có một phòng vệ sinh và giường ngủ. Trong các phòng giam tội phạm nghiêm trọng, tường được độn cao su để đề phòng họ tự tử.
Còn phòng giam dành cho các chính trị gia lừng lẫy một thời có diện tích rộng hơn, được trang bị bàn ghế, bồn tắm, máy giặt... Họ được xem tivi 2 giờ mỗi buổi chiều. Những nhân vật cấp cao nếu không khỏe còn có người nhà vào chăm sóc riêng.
Bản án công bằng
Sau khi tòa án Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy – Trung Quốc đưa ra bản án "tử hình treo" đối với bà Cốc Khai Lai, nhiều chuyên gia nhận định mức án đó là “công bằng”.
Lý Thành, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington – Mỹ, cho biết: “Tôi cảm thấy đa số dư luận Trung Quốc, trong đó có giới luật gia chuyên nghiệp, cho rằng bản án này là thích đáng”. Ông Lý cũng nhận định bản án dành cho bà Cốc khiến dư luận kỳ vọng ông Bạc Hy Lai sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, ông Lý bình luận: “Nếu trong mấy tháng tới, ông Bạc không bị đưa ra xét xử thì bà Cốc sẽ được nhìn nhận là người thế mạng”.
Các nhà phân tích cho rằng phán quyết của tòa án trong vụ xử bà Cốc là rất nhạy cảm về chính trị, có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc lo sợ một bản án quá nghiêm khắc có thể sẽ khiến dư luận đồn đoán rằng bà Cốc là "vật tế thần" thay cho chồng. Theo Giáo sư Hạ Vệ Phương của trường đại học Bắc Kinh, rõ ràng có những toan tính chính trị đằng sau bản án khoan dung trên. “Nếu người bình thường phạm tội giết người, chưa xét đến giết người nước ngoài, thì kẻ phạm tội sẽ bị tuyên án tử hình và thi hành án ngay” - giáo sư Hà nói.
Còn nhà báo La Xương Bình hình dung về tương lai bà Cốc: “Hoãn thi hành án tử hình, giảm án tù, rồi ra nước ngoài chữa bệnh…”, như vậy là “chiến thắng một vụ kiện ở Trung Quốc”. |
Bình luận (0)