xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhận diện khủng bố ở London

NGUYỄN CAO

Từ đầu năm đến nay, London - Anh hứng chịu 4 vụ tấn công khủng bố, trong đó có đến 3 vụ dùng xe bán tải và dao đâm khách đi đường

Ngày 22-3, một vụ tấn công khủng bố xảy ra gần Điện Westminster ở London, nơi đặt trụ sở Quốc hội Anh. Hung thủ Khalid Masood, 52 tuổi, lái xe hơi leo lên lề tông vào người đi bộ phía Nam cầu Westminster làm hơn 50 người bị thương, trong đó 4 người chết tại bệnh viện. Sau khi tông xe vào hàng rào Điện Westminster, Masood nhảy xuống chạy vào sân New Palace đâm chết một cảnh sát không có vũ khí. Y đã bị cảnh sát vũ trang bắn chết tại chỗ.

Chẳng ai nghi ngờ

Trước khi hành động, Masood để lại một tin nhắn cho biết y đang thực hiện thánh chiến chống lại các hoạt động quân sự của phương Tây tại những nước Hồi giáo ở Trung Đông với mục đích báo thù. Theo hãng tin Amaq của IS, Masood đã đáp lại lời kêu gọi của tổ chức này "giết chết công dân các nước chống IS". Tuy nhiên, nguồn tin cảnh sát London xác định Masood không thuộc bất kỳ tổ chức khủng bố nào.

Masood là một người Anh thuần chủng tên thật là Adrian Russell Elms, sinh tại Kent, lớn lên ở Rye, Đông Sussex. 16 tuổi bỏ học, 18 tuổi nghiện cocaine hạng nặng, đến năm 2000, Masood ở tù 2 năm vì tội đâm người. Ba năm sau, y lại ăn cơm tù 6 tháng cũng vì tội đâm người. Trước đó, năm 1983, y từng bị truy tố về tội gây rối trật tự xã hội.

Nhận diện khủng bố ở London - Ảnh 1.

Từ trái sang: Zaghba, Butt và Redouane Ảnh: AP

Năm 2005, Elms vào đạo Hồi, cải tên Khalid Masood. Một số tờ báo nói y trở thành phần tử Hồi giáo cực đoan khi ở tù nhưng cảnh sát bác bỏ giả thuyết này. Trong hồ sơ lý lịch, Masood khai từng dạy tiếng Anh ở Ả Rập Saudi từ năm 2005-2009. Sau đó, y về nước dạy ở một trường sinh ngữ tại Luton từ năm 2010-2012. Tháng 3-2015, Masood trở lại Ả Rập Saudi với thị thực Umrah dành cho cho người đi hành hương thánh địa Mecca.

Farasat Latif, hiệu trưởng trường sinh ngữ ở Luton, mô tả Masood là một người không bận tâm đến chính trị và cũng không quan tâm đến nhóm al-Muhajiroun, một tổ chức Hồi giáo cực đoan gốc châu Á ở địa phương.

MI5 (Cục Tình báo nội địa Anh) từng để mắt đến Masood trong quá trình điều tra vụ một nhóm Hồi giáo âm mưu tấn công căn cứ bộ binh ở Luton. Tuy nhiên, MI5 đánh giá y chưa phải là mối đe dọa an ninh quốc gia. Sở Cảnh sát đô thành London cho biết Masood không nằm trong số đối tượng điều tra khủng bố. Cũng không có thông tin tình báo nào nghi ngờ y có thể hoạt động khủng bố. Ở tuổi ngoài 50, không ai nghi ngờ Masood có thể tấn công khủng bố bởi vì hầu hết chiến binh thánh chiến đều dưới 30 tuổi.

Mang áo gài bom giả

Ngày 3-6, một vụ tấn công khủng bố xảy ra tại quận Southwark. Ba người gốc Pakistan và Morocco lái xe bán tải chạy leo lề cầu London tông vào hành khách đi bộ. Khi xe chết máy, cả 3 chạy vào quán rượu và nhà hàng gần khu vực chợ Bourough chém người loạn xạ bằng mã tấu.

Vụ tấn công làm 8 người đi đường, hầu hết là du khách nước ngoài, chết tại chỗ và 48 người khác bị thương, trong đó có 4 cảnh sát không mang vũ khí. Cả 3 tên khủng bố mặc áo gài bom giả đã bị cảnh sát tiêu diệt. Danh tính 3 tên này được xác định là Khuram Shazad Butt - 27 tuổi, gốc Pakistan; Rachid Redouane - 31 tuổi, gốc Morocco và Youssef Zaghba - 22 tuổi, gốc Morocco.

Trong 3 tên, Butt là trưởng nhóm, có vợ và 2 con. Hắn từng bị hàng xóm mật báo với cảnh sát rằng dạy con theo chủ nghĩa cực đoan. Butt vốn không xa lạ với cảnh sát vì là thành viên tích cực của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Muhajiroun bị cấm hoạt động. Hắn từng đe dọa cử tri Hồi giáo bỏ phiếu bầu cử quốc hội sớm năm nay với lý do "Thượng đế cấm làm chuyện đó".

Theo một người bạn thân, Butt mang tư tưởng cực đoan sau khi xem video YouTube của Ahmad Musa Jibril, một nhà truyền giáo cực đoan gốc Mỹ. Cảnh sát và MI5 dù từng điều tra nhưng đánh giá thấp khả năng khủng bố của Butt. Hồ sơ của hắn xếp vào loại ưu tiên thấp nhất. Du khách nước ngoài đã phải trả giá cho sự chểnh mảng này của cảnh sát và MI5.

Không giống Butt, hồ sơ Redouane hoàn toàn trong trắng đối với cảnh sát. Gã là đầu bếp làm bánh, có vợ người Ireland và một con gái mới 1 tuổi. Gã từng sống ở ngoại ô Dublin và Morocco trước khi đến London.

Theo lời người vợ, Redouane nhiễm tư tưởng cực đoan khi sống ở Morocco 17 tháng. Năm 2016, vợ chồng gã ly dị. Sống ở Anh gần 20 năm nhưng Redouane chưa xin được quy chế người tị nạn.

Zaghba nhỏ tuổi nhất, sống ở phía Đông London với nghề nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh. Y cũng từng làm việc cho một đài truyền hình Hồi giáo ở London. Mẹ Zaghba là một người Ý theo đạo công giáo cải đạo Hồi. Do đó, y mang 2 quốc tịch Anh và Ý.

Năm ngoái, trên đường bay sang Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, Zaghba từng bị an ninh sân bay Bologna Guglielmo Marconi của Ý giữ lại điều tra vì điện thoại di động của y chứa nhiều tài liệu liên quan đến IS. Trong thời gian Zaghba lưu trú 10 ngày ở Ý, cảnh sát theo dõi từng bước đi của y và thông báo kết quả cho cảnh sát Anh

Theo nhật báo Mỹ The New York Times, Zaghba được chi nhánh của Al-Muhajiroun ở Ý giới thiệu với Butt. 

Trả thù người Hồi giáo

Nửa đêm 19-6, một người đàn ông lái xe bán tải tông vào đám đông ở trạm xe buýt gần công viên Finsbury (London), làm một người chết, 9 người bị thương. Tất cả nạn nhân là người Hồi giáo vừa hành lễ Tarawih (cầu nguyện ban đêm trong tháng chay Ramadan) tại một thánh đường Hồi giáo gần đó.

Hung thủ Darren Osborne - 47 tuổi, có 4 con, vừa ly hôn vợ - đã ra tòa hôm 27-6 với tội danh khủng bố, giết người và mưu sát. Theo cơ quan an ninh, Osborne không nằm trong diện theo dõi dù những người hàng xóm ở quận Pentwyn, TP Cardiff - Xứ Wales từng báo với cảnh sát gã là một người hung bạo và kỳ cục. Vài giờ trước khi hành sự, Osborne còn ca hát vui vẻ với con cái trong nhà bếp.

Cuộc điều tra cho biết Osborne có thể hành động điên cuồng vì ghét người Hồi giáo, nhất là sau vụ khủng bố gần cầu London hôm 3-6. Gã mướn ô tô bán tải ở Cardiff và ngủ luôn trong xe mấy hôm. Đêm tấn công người Hồi giáo, Osborne lái xe hơn 3 giờ đến London. Chị gái của Osborne cho biết vài tuần trước khi thực hiện vụ tấn công, gã từng có ý định tự tử và xin vào bệnh viện tâm thần để chữa trị nhưng bị từ chối.


Kỳ tới: FBI châu Âu, điều ước khó thành

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo