Trả lời AP, NBC News và nhóm báo chí Lầu Năm Góc ngày 31-10, quan chức trên xác nhận các nhân viên quân sự Mỹ hiện diện tại Ukraine do Chuẩn tướng Garrick Harmon, tùy viên quân sự Mỹ tại Kiev, dẫn đầu. Không rõ có bao nhiêu nhân viên quân sự Mỹ tham gia giám sát việc bàn giao vũ khí của phương Tây cho Kiev cũng như vị trí đóng quân của họ.
"Quá trình giám sát không gần tiền tuyến và ở khu vực đảm bảo an ninh" - quan chức giấu tên tiết lộ.
Mỹ rút lực lượng quân sự của mình khỏi Ukraine ít ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt bên nước láng giềng ngày 24-2 năm nay.
Sư đoàn dù 82 của Mỹ chuẩn bị triển khai tới Ba Lan ngày 14-2-2022, 10 ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: AP
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ chỉ định các nhân viên quân sự để hỗ trợ chính phủ Ukraine xử lý việc tiếp nhận hỗ trợ an ninh của Mỹ. Tuyên bố được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông dẫn lời cơ quan tình báo Mỹ cho biết Washington không thể theo dõi số vũ khí mà họ gửi cho Kiev. Một nguồn tin tình báo nói với đài CNN hồi tháng 4 rằng những vũ khí này "biến mất trong một lỗ đen lớn" khi chúng vào Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó, quan chức Lầu Năm Góc ngày 31-10 cho hay Mỹ sẽ gửi 2 hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS đến Ukraine trong tương lai gần. Với việc Nga đang nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), Kiev đã yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí phòng không tiên tiến hơn.
NASAMS do nhà thầu quốc phòng Raytheon Technologies của Mỹ sản xuất, sử dụng các loại tên lửa AIM-120 hoặc AMRAAM tầm ngắn để bắn hạ UAV, tên lửa và máy bay. Hồi tháng 9, Mỹ thông báo sẽ cung cấp hệ thống này cho Ukraine. Riêng Israel đề nghị giúp Ukraine phát triển hệ thống cảnh báo để cảnh báo các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng.
Hệ thống NASAMS. Ảnh: Wikipedia
Bình luận (0)