Theo đài NHK, trong phiên tòa hôm 16-3, Uematsu thừa nhận đâm chết 19 người khuyết tật tại một trung tâm chăm sóc ở Sagamihara, Tây Nam thủ đô Tokyo năm 2016. Nhiều nạn nhân bị đâm khi họ đang say ngủ.
Thẩm phán Kiyoshi Aonuma tuyên án tử hình đối với Uematsu bằng hình thức treo cổ, đồng thời cho biết: "Kẻ phạm tội này muốn giết người. Điều này cực kỳ nguy hiểm". Trong khi đó, bị cáo - mặc đồ đen, tóc dài buộc đuôi ngựa – tỏ thái độ bình tĩnh.
Trong phiên tòa hồi tháng trước, Uematsu nói rằng những người không có khả năng giao tiếp với người khác là gánh nặng và giết họ sẽ tốt cho xã hội. Hắn cũng khẳng định sẽ không kháng cáo dù bị kết án như thế nào.
Satoshi Uematsu. Ảnh: Daily Mail
Vào tháng 1 năm nay, luật sư bào chữa cho Uematsu lập luận hắn "không đủ năng lực hành vi hoặc bị suy giảm năng lực hành vi vào thời điểm xảy ra các vụ giết người do sử dụng cần sa". Tuy nhiên, các công tố viên Nhật Bản đã bác bỏ và nhấn mạnh Uematsu hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm cho hành động "vô nhân tính" của mình.
Trường hợp của Uematsu gây sốc trên khắp Nhật Bản, nơi tội phạm bạo lực rất hiếm nhờ luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt. Vụ án cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về sự cần thiết phải thay đổi trong một xã hội mà người khuyết tật vẫn phải chịu sự kỳ thị và xấu hổ.
Danh tính của hầu hết nạn nhân chưa được tiết lộ bởi gia đình không muốn người khác biết họ có người thân bị khuyết tật. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa bắt đầu, một người mẹ có con gái 19 tuổi bị Uematsu giết nói rằng tên của con gái mình là Miho.
"Ngay cả hình phạt nặng nhất cũng là nhẹ đối với hắn. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ. Xin hãy mang con gái của tôi trở lại. Tôi yêu cầu bản án tử hình" – người mẹ nói với đài NHK.
Uematsu lái xe đến trung tâm chăm sóc người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en vào ngày 26-7-2016, mang theo nhiều con dao. Hắn phá vỡ cửa sổ và bắt đầu tấn công từng người đang ngủ trong phòng. Hậu quả, 19 nạn nhân từ 19-70 tuổi thiệt mạng, trong khi 25 người khác bị thương – bao gồm 20 người bị thương nặng. Ngay sau vụ tấn công, Uematsu tự sát tại đồn cảnh sát nhưng không chết.
Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en. Ảnh: NHK
Bình luận (0)