Trong cuộc họp báo ngày 12-1, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay Tokyo đã báo với Bắc Kinh rằng bất cứ tàu hải quân nước ngoài nào đi vào lãnh hải Nhật Bản ngoài mục đích "di chuyển vô hại" sẽ bị tàu tuần tra nước này yêu cầu rời đi. Luật pháp quốc tế cho phép tàu hải quân một nước đi qua lãnh hải quốc gia khác nếu nó không gây ra mối đe dọa về an ninh.
Ông Suga cho hay Tokyo đã thông báo cho Bắc Kinh ý định trên sau khi tàu Trung Quốc lượn lờ quanh Senkaku tháng 11 năm ngoái. Theo Reuters, thông báo này báo hiệu nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa 2 nước.
Trước đó cùng ngày, tờ Yomiuri đưa tin tàu của SDF sẽ được phái đến Senkaku nếu phát hiện tàu hải quân Trung Quốc xâm phạm trong vòng 22 km xung quanh quần đảo này.
Tháng 12 năm ngoái, tàu hải cảnh Trung Quốc mang vũ khí được nhìn thấy 2 lần gần Senkaku.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Hôm 11-1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo thành lập thêm 15 đơn vị quân đội mới - từ hậu cần và phát triển thiết bị đến công tác chính trị và chống tham nhũng. 15 đơn vị này thay thế cho 4 cơ quan cấp Tổng cục - bao gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị - được giải tán trước đó, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm.
Đây là bước đi nằm trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Bắc Kinh. Trong một tuyên bố hôm 11-1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 15 đơn vị trên sẽ củng cố sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản.
Cuối năm ngoái, ông Tập thông qua kế hoạch thành lập bộ chỉ huy chung của quân đội, lực lượng tên lửa và một đơn vị hỗ trợ chiến lược cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Sự thành lập 15 đơn vị mới được tiếp nối sau quyết định này.
Chủ tịch Tập cũng gây xôn xao vào tháng 9 năm ngoái khi thông báo cắt giảm 300.000 nhân viên quân sự. Cùng với đó, PLA đang quay cuồng trong chiến dịch chống tham nhũng khiến hàng chục tướng lãnh bị điều tra, bao gồm 2 phó chủ tịch trước đây của Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Ông Từ chết vì ung thư hồi năm ngoái nên không bị đưa ra xét xử, còn ông Quách vẫn chưa phải đối mặt với tòa án. Một số nhà phân tích nói Chủ tịch Tập - người đứng đầu Quân ủy Trung ương – đang muốn loại bỏ các đối thủ quân sự của mình.
Tuần trước, ông Tập kêu gọi lực lượng vũ trang Trung Quốc cần phải “trung thành, liêm chính và có trách nhiệm”, đồng thời “rút ra bài học sâu sắc” từ trường hợp của hai ông Từ và Quách.
Bình luận (0)