Cụ thể, theo báo cáo công bố hôm 18-9, khoảng 12,59 triệu trong số 124 triệu người dân nước này hiện từ 80 tuổi trở lên (tỉ lệ khoảng 10,15%). Ngoài ra, tỉ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm đến 29,1% dân số (khoảng 36 triệu người). Đây là con số cao kỷ lục không chỉ của Nhật Bản mà cả thế giới.
Theo đài CNN, dân số nước này đã giảm dần kể từ khi những năm 1980. Tỉ lệ sinh là 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư.
Trong hơn một thập kỷ, số người qua đời hằng năm luôn cao hơn số trẻ chào đời, qua đó trở thành vấn đề ngày càng đau đầu đối với giới lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Một người cao tuổi đi bộ tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: BLOOMBERG
Nhật Bản cũng thuộc nhóm nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Để đối phó tình trạng thiếu lao động, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích người cao tuổi và các bà mẹ nội trợ tái gia nhập lực lượng lao động trong thập kỷ qua. Kết quả là người cao tuổi hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước, theo báo cáo mới nói trên.
Theo tờ South China Morning Post, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 2 cảnh báo nước này đang bên bờ vực của cuộc khủng hoảng dân số, đồng thời công bố gói chi tiêu 20.000 tỉ yen để hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ muốn có con. Số tiền này cao gần gấp đôi mức được chi cho nỗ lực đảo ngược tỉ lệ sinh giảm mạnh vào năm 2021.
Bà Yoko Tsukamoto, chuyên gia tại Trường ĐH Y khoa Hokkaido (Nhật Bản), cho rằng bất chấp những áp lực từ tình trạng dân số già đi nhanh chóng, Tokyo hiện chưa sẵn sàng cho giải pháp nhanh nhất là nhập cư.
Vì thế, theo bà, Nhật Bản cần tập trung nhiều hơn vào tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot để bù đắp cho lực lượng lao động đang bị thu hẹp.
Bình luận (0)