Theo NPA, hầu hết những người này đi lang thang trên đường phố và được tìm thấy trong vòng chưa đầy 1 tuần sau đó. Dù vậy, vẫn có 479 người bị phát hiện đã chết và 150 người chưa được tìm thấy.
Tình trạng trên càng đáng báo động sau khi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản dự báo số người bị mất trí nhớ ở nước này sẽ tăng từ 4,62 triệu người năm 2012 lên 7 triệu người năm 2025 - tương đương 20% số người trên 65 tuổi. Theo báo Independent (Anh), góp phần vào sự gia tăng này là tình trạng dân số Nhật ngày càng già đi. Theo thống kê, số người trên 64 tuổi hiện chiếm 1/4 dân số (32 triệu người) và tỉ lệ này không ngừng tăng lên.
Để đối phó, khoảng 800 trong số 1.741 thành phố ở Nhật Bản đã ký thỏa thuận giám sát người mất trí nhớ và phản ứng nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Riêng TP Kushiro ở tỉnh Hokkaido thiết lập một hệ thống tập hợp cảnh sát, công ty taxi và doanh nghiệp để giúp tìm kiếm người mất trí nhớ bị mất tích. Còn tại TP Takasaki, tỉnh Gunma, dịch vụ GPS (hệ thống định vị toàn cầu) giúp cảnh sát tìm kiếm người mất trí nhớ nếu nhận được tin báo họ mất tích.
Nguy cơ dân số lão hóa cũng ám ảnh Hàn Quốc, nơi độ tuổi kết hôn trung bình của cả đàn ông và phụ nữ đạt mức cao kỷ lục. Theo báo cáo của Công ty Mai mối Duo, độ tuổi trung bình của đàn ông Hàn Quốc khi gặp người yêu thông qua dịch vụ mai mối và kết hôn lần đầu vào khoảng 35,8 trong giai đoạn từ tháng 6-2014 đến tháng 5-2016. Độ tuổi trung bình của phụ nữ kết hôn lần đầu cũng tăng lên 32,7.
Đại diện Công ty Duo nhận định với hãng tin Yonhap rằng sự gia tăng độ tuổi kết hôn liên quan đến vật giá leo thang khi người trẻ cần làm việc lâu hơn để dành dụm đủ tiền kết hôn. Theo khảo sát, thu nhập trung bình hằng năm của nam giới kết hôn trong giai đoạn 2014-2015 là 55.341 USD, còn ở phụ nữ là 35.000 USD. Tỉ lệ thất nghiệp tăng trong giới trẻ cũng là một nguyên nhân khác. Hồi tháng 5, con số này trong giới trẻ là 9,7%, cao hơn so với tỉ lệ chung là 3,7%.
Bình luận (0)