Sau khi chính phủ nước này phát động chiến dịch "Visit Japan" (Hãy đến Nhật Bản) vào năm 2003, du khách nước ngoài đến Nhật không ngừng tăng lên.
Chiến dịch trên có thể được xem là thành công vang dội khi số du khách nước ngoài đến Nhật tăng vọt từ 5 triệu (năm 2003) lên 20 triệu người trong năm 2016. Con số này nhiều khả năng còn cao hơn trong năm 2017 và dự kiến đạt 40 triệu vào năm 2020 - thời điểm Tokyo đăng cai Thế Vận hội. Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc chiếm tỉ lệ đáng kể trong tổng số du khách, với hơn 4 triệu người trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Một lễ hội ở Kyoto Ảnh: EPA
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Nhật tin rằng nước này cần thận trọng trước những gì mình mong mỏi. Họ chỉ ra rằng đây là một dân tộc hết sức bảo thủ nên người dân cần nhiều thời gian để làm quen với những thay đổi.
Trước mắt, rắc rối đã xuất hiện từ sự bùng nổ du khách. Chẳng hạn, giao thông công cộng - đặc biệt ở những thành phố "phải đến" như Kyoto - đang quá đông đúc. Du khách cũng khó tìm được phòng khách sạn hơn, nhất là vào những dịp cao điểm như mùa hoa anh đào nở. Trong khi đó, những người lưu trú tại nhà thuê riêng vi phạm quy định về tiếng ồn và rác thải.
Thêm vào đó, lối sống của người nước ngoài không phải lúc nào cũng phù hợp với địa phương. Nhiều du khách có những hình xăm lớn và rõ nét trong khi phần lớn người Nhật vẫn liên tưởng chúng với các các băng nhóm xã hội đen. Hồi tháng 6 qua, báo Asahi khẳng định "những đám đông bất tận, hàng xóm xa lạ và hành vi lỗ mãng" đã làm hại chất lượng sống của cư dân Kyoto, nơi đón tiếp 56,84 triệu khách du lịch trong và ngoài nước năm 2015 - một con số cao kỷ lục.
Không có gì khó hiểu khi một cư dân Kyoto nhận định cố đô này đang bị "ô nhiễm bởi du lịch". Để cải thiện tình hình, theo tờ South China Morning Post, Sở Du lịch Kyoto đã cho xuất bản một quyển sách nhỏ cung cấp các lời khuyên cho du khách về những điều không nên làm trong xã hội Nhật.
Bình luận (0)