Tokyo dự kiến vào tháng tới sẽ chính thức gọi số đảo này là “vùng lãnh thổ có người ở tại biên giới”.
Trong số này, 71 hòn đảo nhận được sự hỗ trợ đặc biệt bởi sự cô lập và tình trạng sụt giảm dân số nghiêm trọng. Nghị sĩ Yaichi Tanigawa của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cảnh báo việc để các hòn đảo trở nên hoang vắng đe dọa đến an ninh quốc gia.
Động thái này nêu bật nỗ lực của Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền khoảng 6.800 hòn đảo lớn nhỏ và đối phó tình trạng dân số sụt giảm. Vụ tranh cãi năm 2012 giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông dường như là động lực thúc đẩy Tokyo tiến hành chiến lược vừa nêu. Quần đảo chịu sự quản lý của Tokyo này từng có 200 dân sinh sống nhưng giờ đây không một bóng người.
“Nếu Senkaku vẫn còn có người sinh sống, tranh cãi với Trung Quốc có lẽ đã không xảy ra” - một quan chức đang tham gia soạn thảo chính sách nêu trên nhận định với tờ Financial Times (Anh) gần đây. Ngoài Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản còn có tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền nhóm đảo Takeshima (đang được Seoul kiểm soát và gọi là Dokdo).
Dân số tại các đảo xa xôi của Nhật Bản đã giảm từ 1,3 triệu người năm 1955 xuống còn 636.000 hồi năm 2010. Xu hướng này khó có thể đảo ngược trong bối cảnh dân số chung của Nhật Bản được dự báo giảm từ 127 triệu người xuống còn 92 triệu trong 40 năm tới.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, kế hoạch mới kêu gọi chính phủ xây dựng hạ tầng cho người dân và mua đất đai trên các đảo hẻo lánh, nâng cấp các cảng biển và ngăn tàu nước ngoài tiếp cận trái phép. Riêng với 71 hòn đảo nêu trên, khoảng 44 triệu USD sẽ được dành để hỗ trợ chi phí đi lại và tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương.
Bình luận (0)