Cùng lúc với thống kê thương vong không ngừng tăng lên – hiện đã là 1.200 người chết và mất tích, trong đó có 703 người chết, lực lượng cứu hộ Nhật Bản và hàng chục quốc gia trên thế giới đang cấp tập đổ bộ lên vùng đông bắc hoang tàn.
Nguyên nhân tử vong và mất tích chủ yếu do các đợt sóng thần cao tới 10 mét cuốn phăng nhiều khu nhà và làng mạc trải dài 12 km dọc bờ biển 9 tỉnh thành phía Đông Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
gởi điện thăm hỏi
Được tin ngày 11-3, tại nhiều vùng của Nhật Bản đã xảy ra động đất và sóng thần gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện tới Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, bày tỏ lời thăm hỏi chân thành đến nhân dân vùng bị nạn.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto.
* Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản đã tìm hiểu tình hình và cho biết đến nay chưa có thông tin về tổn thất đối với công dân Việt Nam tại Nhật Bản. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết. |
Sân bay Sendai bị hủy hoại
Nhà máy lọc dầu Chiba bốc cháy
Do vẫn còn cảnh báo sóng thần nên lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do động đất. Thủ tướng Naoto Kan đã quyết định cử 50.000 binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cứu hộ cùng các lực lượng cứu hộ, y tế.
Đội cứu hộ Nhật Bản gồm 66 người vừa tham gia chiến dịch giải cứu hai tuần tại Christchurch (New Zealand) cũng gấp rút lên đường trở về quê nhà ứng chiến.
Các nhân viên cứu hộ tình nguyện tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ. Gần như ngay lập tức, Mỹ đã cử 150 nhân viên cứu hộ, trong đó có một nhóm cũng vừa trở về từ New Zealand hai ngày trước. Ngoài ra còn có chó nghiệp vụ cùng khoảng 75 tấn thiết bị.
Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc và Singapore cũng đang gửi đội tìm kiếm, nhân viên y tế và chó nghiệp vụ đến Nhật Bản. Còn Philippines khẳng định sẽ hỗ trợ ngay khi Tokyo có yêu cầu.
New Zealand, đất nước đã nhận được sự trợ giúp của Nhật Bản trong trận động đất tại Christchurch vào tháng trước, cũng nhanh chóng phái 48 chuyên gia tìm kiếm – chiếm 1/3 lực lượng cứu hộ của nước này – đến trợ giúp.
"Nhật Bản đã giang rộng tay giúp New Zealand trong thảm học. Đây là lúc chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ bạn bè bằng mọi cách mà chúng tôi có thể”, Thủ tướng John Key nói.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, khoảng 60 nhóm cứu hộ quốc tế từ 45 quốc gia đã cam kết trợ giúp Nhật Bản.
Bình luận (0)