Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng quốc hội thông qua dự luật này trước cuối năm nay để bắt đầu triển khai từ tháng 4-2019.
Dự luật được chính phủ thông qua đề xuất 2 chính sách cư trú dành cho lao động nhập cư. Loại thứ nhất dành cho những lao động có tay nghề và trình độ tiếng Nhật nhất định, được phép lưu trú tại Nhật Bản đến 5 năm (thị thực 5 năm) nhưng không được đưa gia đình đi cùng. Loại thứ hai bao gồm những lao động có tay nghề và trình độ tiếng Nhật cao hơn, được đưa gia đình đi cùng và có thể trở thành thường trú nhân.
Các lao động Việt Nam đang làm việc tại một công trường xây dựng ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản Ảnh: NIKKEI
Một ngày trước khi thông qua dự luật, Thủ tướng Abe lưu ý dự luật mới không đồng nghĩa với việc cải cách toàn diện chính sách nhập cư nghiêm ngặt của Nhật Bản. Nước này từ lâu cấp thị thực cho lao động nước ngoài trình độ cao nhưng rất dè dặt trước lao động phổ thông.
Ông Abe khẳng định với các nghị sĩ rằng Nhật chỉ chấp nhận những lao động nước ngoài "có tay nghề và có thể làm việc tức thì để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và chỉ trong những lĩnh vực thực sự cần người" như nông nghiệp, xây dựng, khách sạn/du lịch và điều dưỡng...
Dù vậy, ngay lập tức xuất hiện những hoài nghi xoay quanh việc liệu làn sóng lao động nước ngoài có làm giảm lương hay không, họ sẽ tham gia hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản như thế nào và cả những lo ngại về tình trạng bóc lột lao động nhập cư. Trên thực tế, nhiều lao động nước ngoài có tay nghề thấp làm việc tại Nhật Bản theo hình thức "thực tập sinh" đã nhiều lần tố cáo mình bị lạm dụng.
Ngoài ra, dự luật cũng bị chỉ trích vì thiếu thông tin, nhất là không đề cập số lượng lao động nhập cư cụ thể mà chính phủ định tiếp nhận. Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita hôm 1-11 nói chính phủ chưa xem xét đến con số này song truyền thông địa phương đưa tin khoảng 500.000 lao động "cổ cồn xanh" sẽ được tiếp nhận trong thời gian tới, tăng 40% so với con số 1,28 triệu lao động nước ngoài hiện nay (chiếm 2% lực lượng lao động Nhật Bản).
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lao động Trung Quốc chiếm tỉ lệ đông nhất trong cộng đồng lao động nhập cư với khoảng 370.000 người, theo sau là Việt Nam và Philippines.
Theo Reuters, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã thu thập chữ ký kêu gọi hủy bỏ dự luật trong khi các chính trị gia đối lập cáo buộc chính phủ quá vội vàng. Trái lại, các doanh nghiệp lâu nay luôn vận động nới lỏng các quy định nhập cư, nhất là trước tình trạng dân số lão hóa và tỉ lệ sinh thấp. Họ gặp quá nhiều khó khăn trong việc tuyển lao động ở đất nước có tỉ lệ thất nghiệp chỉ 2,5%.
Một cuộc khảo sát gần đây do Báo Yomiuri (Nhật Bản) thực hiện cho thấy 51% cử tri Nhật Bản ủng hộ tuyển thêm lao động nước ngoài tay nghề thấp và khoảng 43% người tán thành xem xét lại vấn đề nhập cư, tương đương tỉ lệ phản đối.
Bình luận (0)