Mức phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi đang gặp sự cố ở Nhật Bản vẫn không thay đổi sau khi hai trực thăng 4 lần trút nước biển xuống lò phản ứng số 3 tại nhà máy này vào sáng 17-3. Mục đích của chiến dịch này là nhằm làm mát lò phản ứng số 3, đồng thời cung cấp nước cho bể làm mát đang chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) trước đó cho biết bể này đã gần cạn nước, đe dọa làm cho các thanh nhiên liệu trở nên quá nóng và phát ra thêm nhiều phóng xạ.
Nỗ lực khôi phục hệ thống làm mát
Bên cạnh biện pháp nói trên, cảnh sát Tokyo có kế hoạch dùng vòi rồng phun nước trong nỗ lực làm mát một bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4.
Ngoài ra, theo hãng tin AP, TEPCO cho biết đang chạy đua để hoàn tất việc lắp đặt một đường dây điện mới vào cuối ngày 17-3 với hy vọng có thể khôi phục các hệ thống làm mát tại nhà máy, từ đó giảm bớt cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang. Đường dây điện mới này sẽ làm sống lại các máy bơm điện, giúp công nhân dễ dàng kiểm soát nhiệt độ cao bên trong nhà máy. Bên cạnh đó, TEPCO cũng đang nỗ lực sửa chữa đường dây điện đã bị hỏng sau thảm họa sóng thần.
Một trực thăng tiến đến Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi
để trút nước xuống lò phản ứng ở đó hôm 17-3. Ảnh: AP
Những nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân nói trên diễn ra trong bối cảnh thế giới đang ngày càng lo ngại trước nguy cơ xảy ra một vụ Chernobyl ở Nhật Bản. Theo đài ABCNews, các quan chức Mỹ hôm 16-3 bày tỏ lo lắng trước cách thức xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản. Họ lo sợ rằng nếu Tokyo không kiểm soát nhà máy gặp sự cố trong vòng 24 đến 48 giờ tới, nước này có thể đối mặt với một tình huống có thể gây ra “sự chết chóc trong những thập kỷ tới”. Một quan chức cho đài này biết: “Thật khó để mô tả mức độ báo động của cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản hiện nay”.
Khói phóng xạ có thể sắp đến Mỹ
Ông Thierry Charles, một quan chức tại Viện An toàn hạt nhân và Bảo vệ phóng xạ (IRSN) của Pháp, hôm 16-3 cho biết Nhật Bản có 48 giờ để ngăn nguy cơ xảy ra một vụ Chernobyl khác. Ông Charles nói với báo Daily Telegraph (Anh): “48 giờ tiếp theo sẽ đóng vai trò quan trọng. Tôi đang bi quan vì kể từ ngày 13-3, tôi nhận thấy hầu như không có giải pháp nào tỏ ra hiệu quả”. Ông mô tả tình hình hiện nay là “một nguy cơ lớn” nhưng nói thêm rằng không phải mọi chuyện đã kết thúc. Khi được hỏi về lượng phóng xạ tối đa có thể rò rỉ từ nhà máy, ông Charles cho rằng nó “sẽ tương đương như vụ Chernobyl”.
Trong khi đó, một điện tín ngoại giao Mỹ được website WikiLeaks công bố cho thấy Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) từng cảnh báo Nhật Bản 2 năm trước rằng một trận động đất mạnh có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Ông Yoshikatsu Hiratsuka vật vã đau đớn trước căn nhà đổ nát ở Onagawa, phía Bắc Nhật Bản,
nơi người mẹ của ông bị chôn vùi. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo nội dung bức điện tín đề tháng 12-2008 nói trên, một chuyên gia IAEA đã bày tỏ lo ngại rằng các lò phản ứng ở Nhật Bản chỉ được thiết kế để chịu đựng những trận động đất mạnh không quá 7 độ Richter. Chuyên gia này nói thêm rằng các hướng dẫn an toàn hạt nhân của Nhật Bản đã lỗi thời. Nội dung trên được tiết lộ trong bối cảnh ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc IAEA, có kế hoạch đến Nhật Bản, sớm nhất là trong ngày 17-3. Trước thềm chuyến đi, ông Amano thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản là “rất nghiêm trọng”.
Báo The New York Times (Mỹ) hôm 16-3 dẫn một dự báo của Liên Hiệp Quốc cho biết khói phóng xạ từ Nhật Bản có thể đến quần đảo Aleutian trong ngày 17-3 trước khi đến Nam California (Mỹ) vào cuối ngày 18-3 (giờ địa phương). Các chuyên gia sức khỏe và hạt nhân nhấn mạnh rằng mức phóng xạ trong khói sẽ giảm bớt trong quá trình di chuyển. Trong tình huống xấu nhất, khói phóng xạ này chỉ gây ra những tác động sức khỏe cực kỳ nhỏ ở Mỹ. Dù vậy, Washington vẫn cho triển khai thêm nhiều thiết bị giám sát phóng xạ tại miền Tây và các vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương.
Nga muốn giúp Nhật giải quyết hậu quả sự cố
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng giúp Nhật Bản ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ nhà máy trên, loại bỏ các hậu quả của sự cố này, trong đó có việc dập tắt các đám cháy xảy ra tại nhà máy Fukushima.
Theo TTXVN và các nguồn tin nước ngoài, đến tối 17- 3, mức phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn tăng cao. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết lượng phóng xạ đo được quanh tòa nhà hành chính của nhà máy đã tăng lên mức 4.000 microsievert/giờ.
Đến tối 17- 3, Đội Cơ động số 1 thuộc Lực lượng Phòng vệ đã quyết định ngừng sử dụng vòi rồng do lượng phóng xạ tại hiện trường quá cao, gây nguy hiểm. Việc phun nước như vậy đã bước đầu mang lại hiệu quả làm mát bể chứa nhiên liệu của lò phản ứng này.
T.Minh |
Bốn trận động đất mạnh
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) hôm 17-3 cho biết một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã xảy ra gần bờ biển phía Đông Honshu ở Nhật Bản lúc 13 giờ 13 phút (giờ địa phương). Theo Tân Hoa Xã, tâm của trận động đất ở độ sâu 25,3 km, cách Fukushima, nơi có Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, hơn 271 km về phía Đông. Cùng ngày, một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi đảo quốc Vanuatu. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần trên diện rộng được ban bố sau đó.
Trước đó một ngày, Chile và Canada đã chứng kiến hai trận động đất mạnh nhưng chưa có thông tin về thiệt hại. Tại Chile, trận động đất mạnh 5,3 độ Richter được ghi nhận tại khu vực miền Trung. Trong khi đó, một trận động đất mạnh 4,7 độ Richter đã xảy ra ở tỉnh Ontario, miền Đông Canada. Chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại trong 2 trận động đất này. |
Bình luận (0)