Người dân cả nước đã dành một phút tưởng niệm vào lúc 14 giờ 46 phút (giờ địa phương), thời điểm xảy ra thảm họa.
Thảm họa đã đi qua được 4 năm nhưng vẫn để lại không ít vấn đề chưa được giải quyết. Đáng lo nhất là gần 250.000 người vẫn sống trong cảnh tạm bợ kể từ khi mất nhà cửa trong thảm họa. Theo báo USA Today (Mỹ), việc xây nhà ở cho họ bị dời lại đến năm 2017 do những khó khăn trong quá trình tìm kiếm khu vực tái định cư phù hợp và thiếu công nhân xây dựng cũng như nguyên vật liệu.
Ngoài ra, tại tỉnh Fukushima, hàng trăm km vuông đất rừng, nông thôn, thị trấn không có người sinh sống kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 do động đất, sóng thần gây ra. Mặc dù hàng túi nhựa chứa đất nhiễm phóng xạ được đào từ khu vực này đem đi xử lý nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của số đất cần phải được loại bỏ. Theo báo USA Today, dù không khí xung quanh khu nhà máy điện hạt nhân này không còn nhiễm phóng xạ nhưng các công nhân vẫn cố khắc phục rò rỉ nước nhiễm phóng xạ. Ông Hatsuo Fujishima, một quan chức cấp cao tỉnh Fukushima, nhận định có thể mất 30 năm hoặc lâu hơn nữa để mọi thứ trở lại bình thường ở địa phương này. “Đây là một cuộc chiến khó khăn và lâu dài” - ông Fujishima nhận định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10-3 cam kết thực hiện một kế hoạch 5 năm đẩy nhanh tiến trình tái thiết sau thảm họa. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Abe cho biết chính phủ sẽ cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Abe từ chối đưa ra thông tin chi tiết về ngân sách cho kế hoạch lần này.
Ước tính chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 50 tỉ USD để khôi phục 3 tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất gồm Iwate, Miyagi và Fukushima. Kể từ sau thảm họa, Nhật Bản đã chi hơn 15 tỉ USD để làm giảm lượng chất phóng xạ ở các thị trấn gần nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng và khoảng 88.000 cơ sở chứa rác nhiễm phóng xạ tạm thời ở khu vực xung quanh đó.
Bình luận (0)