Theo CNN, hiệp định này bao phủ 600 triệu dân và gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng là một sự xác nhận mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đang ngày càng bị chủ nghĩa bảo hộ đe dọa.
Theo hiệp định, thuế quan sẽ được dỡ bỏ với nhiều hàng xuất khẩu châu Âu, như phô mai và rượu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch EC Donald Tusk (phải) mỉm cười tại cuộc họp báo chung của Thượng đỉnh Nhật-EU ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch EC Donald Tusk (phải) tại cuộc họp báo chung của Thượng đỉnh Nhật-EU ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Truyền thông Mỹ nhận định bước đi loại bỏ hàng rào thương mại như vậy hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã áp đặt thuế quan lên một loạt hàng hóa nước ngoài và đe dọa sẽ hành động nhiều hơn nữa.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk ca ngợi thỏa thuận với Nhật Bản là hiệp định thương mại song phương lớn nhất từ trước tới nay.
"Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Nhật Bản chưa bao giờ mạnh mẽ hơn (lúc này)"- ông Tusk tuyên bố. "Về mặt địa lý, chúng ta cách xa nhau, nhưng về chính trị và kinh tế, chúng ta khó có thể gần gũi hơn".
Theo dữ liệu của EU, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt khoảng 152 tỉ USD trong năm 2017.
Trong khi đó, đánh giá về hiệp định nói trên giữa EU và Nhật Bản, ông Ross Denton từ hãng luật Baker McKenzie cho rằng đây là một tín hiệu mạnh tới chính quyền Washington rằng EU và Nhật Bản, hai đối tác thương mại lớn của Mỹ, đều nhận thấy lợi ích của việc dỡ bỏ thuế quan và sẽ giảm chứ không tăng thuế.
Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Nhật. Ảnh: Reuters
Hồi tháng trước, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström nói rằng châu Âu sẵn sàng hạ một số mức thuế và hợp tác với Mỹ. Thế nhưng, Tổng thống Trump đã "sập cửa" đối với đàm phán và đánh thuế lạnh lùng vào thép và nhôm của EU. Thuế quan mới của Mỹ đánh vào xe hơi châu Âu được cho sẽ sớm theo sau đó.
Tổng thống Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay khi vào Nhà Trắng. Hiệp định nay đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia này cũng chủ trương giảm thuế và các tháo dỡ các rào cản thương mại giữa các thành viên.
Thuế quan trung bình toàn cầu đang gần như xuống tới mức thấp kỷ lục. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các sản phẩm của châu Âu hiện bị đánh thuế trung bình khoảng 1,6% khi xuất sang Nhật Bản, trong khi hàng Nhật đối mặt mức thuế 2,9% ở EU.
Phía EU cho biết chi phí thuế quan các công ty của khối này phải chịu lên tới 1 tỉ USD/năm.
Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Nhật vừa ký kết dự kiến sẽ đi vào hiệu lực năm 2019 sau khi giới lập pháp hai bên phê chuẩn.
Bình luận (0)