Một hạm đội tàu sân bay, tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu ngầm của một số nước đã tham gia sự kiện Japan Fleet Review ở vịnh Sagami, phía Tây Nam TP Yokosuka - Nhật Bản hôm 18-10.
Sự kiện diễn ra 3 năm 1 lần này nhằm phô diễn sức mạnh hải quân của Nhật đồng thời cũng cho thấy sự hiện diện nhiều hơn của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản trình làng khí tài quân sự kể từ khi quốc hội thông qua đạo luật cho phép binh sĩ nước này bảo vệ đồng minh nước ngoài.
Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi học thuyết quyền tự vệ tập thể với các đồng minh - một động thái nhằm giúp Tokyo có vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực để làm đối trọng với một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển.
“Át chủ bài” của lực lượng hải quân Nhật tại sự kiện chính là tàu sân bay trực thăng Izumo dài 248 m. Đây là tàu chiến lớn nhất của Tokyo kể từ Thế chiến thứ 2, qua đó chứng tỏ nước này đang tăng cường sức mạnh quân sự để hoạt động ở nước ngoài.
50 tàu và 61 máy bay đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Mỹ cũng hiện diện tại sự kiện, trong đó “ngôi sao” là tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dài 333 m đang đồn trú tại Nhật.
Ông Abe hôm 18-10 đã tham quan tàu này, qua đó trở thành thủ tướng Nhật đương chức đầu tiên đặt chân lên một tàu sân bay Mỹ. Hãng tin Kyodo nhận định động thái mang tính biểu tượng này nhằm nêu bật mối quan hệ đồng minh đang ngày một phát triển giữa 2 nước.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản, nước này đã cử tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar 2015 với Mỹ và Ấn Độ từ ngày 14 đến 19-10.
Theo hãng tin AP, các tàu sân bay, tàu hải quân và tàu ngầm của 3 nước hôm 17-10 đã tiến vào vịnh Bengal trong quá trình tham gia cuộc tập trận chung ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Mỹ - Nhật - Ấn tiến hành cuộc tập trận trên vịnh Bengal trong 8 năm qua, qua đó nêu bật mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa 3 nước khi họ đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và không ngừng bành trướng trên biển.
“Ấn Độ và Nhật Bản là những đối tác tuyệt vời của Mỹ. Chúng tôi có nhiều điểm chung; có mối quan hệ lớn mạnh về kinh tế, quân sự, chính trị với nhau” - ông Craig Clapperton, một sĩ quan trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia tập trận, nhận định.
Cuộc diễn tập Malabar năm nay diễn ra giữa lúc có thông tin Mỹ có thể đưa tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại đó.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani khẳng định Tokyo sẽ “tiếp tục theo dõi chặt chẽ” các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông.
Malaysia cứng rắn với Trung Quốc
Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia Zulkefli Mohd Zin hôm 18-10 cho rằng những công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông là “hành động khiêu khích”.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh Hương Sơn diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, ông Zulkefli Mohd Zin cho biết thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi về ý đồ thật sự của Trung Quốc trong việc tiến hành các công trình xây dựng phi pháp ở biển Đông. Đây là lần chỉ trích hiếm hoi của Malaysia đối với mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Trước đó 1 ngày, cũng phát biểu tại diễn đàn trên, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói nước này hy vọng Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vì họ tin đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp ở vùng biển này.
Malaysia lâu nay vẫn có thái độ thận trọng đối với những hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, lập trường này đã thay đổi sau khi hải quân Trung Quốc vào năm ngoái tiến hành tập trận xung quanh bãi cạn James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Bình luận (0)