Theo chiến lược trên, các chiến đấu cơ F-15 của Nhật với sự trợ giúp từ Không quân Mỹ sẽ loại bỏ các chiến đấu cơ hộ tống của Trung Quốc. Tiếp đó, Nhật phái máy bay F-2 đối đầu với các chiến hạm của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Quang Văn nhận định nếu không có sự hỗ trợ từ trên không thì cả tàu Liêu Ninh lẫn các tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc đều trở thành "vịt ngồi" cho lực lượng máy bay chiến đấu Mỹ - Nhật oanh tạc.
Tàu Liêu Ninh có thể trở thành mục tiêu đánh chìm của Mỹ - Nhật. Ảnh: CNR
Cũng theo ông Trần, cách duy nhất để Nhật giành thắng lợi trong cuộc chiến (nếu xảy ra) với Trung Quốc là sự tiếp tay của Mỹ. Một mình Nhật Bản không thể phát huy toàn bộ không quân Trung Quốc vì số lượng chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Trung Quốc nhiều hơn.
Quách Tuyên, một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, nhận định Liêu Ninh là mục tiêu số một đối với Nhật Bản vì đây là biểu tượng cho sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc, hạ gục được Liêu Ninh thì Bắc Kinh sẽ quy phục.
Tàu Liêu Ninh được Trung Quốc mua về từ Ukraine năm 1998. Sau thời gian dài cải tạo và 10 chuyến thử nghiệm trên biển, con tàu được biên chế cho hải quân Trung Quốc vào ngày 15-9-2012. Tháng 11 cùng năm, truyền thông Trung Quốc đưa tin chiến đấu cơ J-15 đã thử nghiệm thành công hạ cánh và cất cánh từ Liêu Ninh.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn nguồn từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết ngày 21-1, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức lên tiếng "bất bình và phản đối mạnh mẽ" những bình luận của Mỹ được coi là bênh vực Nhật Bản.
Theo Sở chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 tại Naha, tỉnh Okinawa, 3 tàu trên đi vào khu vực này lúc 7 giờ (giờ địa phương) và lưu lại khoảng 15 phút.
Bình luận (0)