Công ty Điện lực Tokyo - Nhật Bản (TEPCO) ngày 7-4 đã bơm khoảng 200 m3 nitrogen vào lò phản ứng số 1 tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra thêm các vụ nổ khí hydro. Theo hãng tin Kyodo, TEPCO dự định bơm khoảng 6.000 m3 nitrogen.
Trước đây, các vụ nổ hydro đã xảy ra tại các lò phản ứng số 1 và 3, thổi bay mái che và phần tường trên của 2 lò này và khu nhà ở lò số 4.
Cảnh sát tìm kiếm nạn nhân bên trong vùng sơ tán ở tỉnh Fukushima hôm 7-4. Ảnh: AP
Ngoài ra, TEPCO vẫn tiếp tục xả nước nhiễm xạ thấp ra Thái Bình Dương để lấy chỗ chứa nước nhiễm xạ cao độ. Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản cho biết hầu hết số nước này được xả vào chiều 7-4 và khoảng thứ bảy tới sẽ xả số nước còn lại.
Ông Hidehiko Nishiyama, người phát ngôn của cơ quan trên, cho rằng nước nhiễm xạ cao độ có thể đã lại bắt đầu rò rỉ từ một điểm khác. Theo ông, TEPCO phải tăng cường theo dõi mức nhiễm xạ của nước biển.
Cùng ngày, cảnh sát Nhật đẩy mạnh việc tìm kiếm thi thể của hơn 15.000 người vẫn còn mất tích sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3.
Ryoichi Tsunoda, người phát ngôn của cảnh sát tỉnh Fukushima, nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tìm được thi thể của họ. Đây là cuộc đua với thời gian và với mối đe dọa phóng xạ hạt nhân”.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Trung Quốc tỏ ra lo lắng về phóng xạ hạt nhân từ Nhật. Bộ Y tế Trung Quốc đã phát hiện chất phóng xạ trong rau bina ở 3 tỉnh của nước này.
Còn ở Hàn Quốc, một số trường học đã đóng cửa vì sợ nước mưa nhiễm xạ. Tuy nhiên, cơ quan an toàn hạt nhân nước này thông báo hàm lượng phóng xạ được phát hiện không đủ để gây hại cho sức khỏe con người.
Xuất phát từ phản ứng tiêu cực ở các nước, Nhật Bản đã yêu cầu các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin khách quan về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Nhà máy Fukushima Daiichi.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật cho rằng một số bản tin nước ngoài về cuộc khủng hoảng ở Fukushima là quá mức. Theo họ, một số cơ quan báo chí nước ngoài đưa tin rằng TEPCO đã thuê những người vô gia cư để xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến thăm Nhật sau khi dự hội nghị ngoại trưởng NATO ở Berlin (Đức) trong hai ngày 14 và 15-4.
Bà Clinton là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai đến Nhật sau trận động đất 9 độ Richter. Bà cam đoan nước Mỹ sát cánh với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.
Sự cố hạt nhân ở Nhật khác thảm họa Chernobyl
Hội nghị quốc tế kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl do Hiệp hội Bảo vệ phóng xạ Đức (GfS) tổ chức đã khai mạc hôm 6-4. Hội nghị kéo dài 3 ngày này nhằm thảo luận về ảnh hưởng của phóng xạ đối với sức khỏe con người.
Tham dự hội nghị nói trên gồm nhiều đại diện đến từ Đức, Nga, Nhật Bản, Ukraine, Belarus, Anh và Thụy Sĩ; các nhân viên y tế, nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật từng giúp đỡ những nạn nhân trong thảm họa Chernobyl xảy ra vào năm 1986. Theo Chủ tịch GfS Sebastian Pflugbeil, tình hình tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi hoàn toàn khác thảm họa Chernobyl. Chất phóng xạ ngay lập tức thoát ra ngoài không khí ngay sau vụ nổ ở Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl; còn trong trường hợp của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, chất phóng xạ thoát ra từ từ. Tuy nhiên, nếu so với thảm họa hạt nhân Chernobyl, mức phóng xạ ở 6 lò phản ứng hạt nhân của Nhật cao hơn hẳn.
Theo hãng tin Itar-Tass (Nga), ông Sebastian Pflugbeil cũng bày tỏ hối tiếc khi Nhật không rút ra kinh nghiệm trong cách xử lý thông tin về các tai nạn hạt nhân đã xảy ra.
Huệ Bình |
Bình luận (0)