Các kỹ sư Nhật Bản ngày 18-3 thừa nhận rằng cách duy nhất ngăn chặn nguy cơ thoát phóng xạ là chôn nhà máy hạt nhân dưới cát và bê tông - phương pháp từng được dùng để bịt các lỗ hổng rò rỉ khổng lồ từ Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Các quan chức cho hay họ vẫn nuôi hy vọng có thể gắn cáp điện cho ít nhất hai lò phản ứng để tái khởi động máy bơm cần thiết để làm mát các que nhiên liệu hạt nhân đang trong tình trạng quá nóng. Các công nhân vẫn tiếp tục tưới nước vào lò phản ứng số 3, một trong những lò chủ chốt trong 6 lò phản ứng của nhà máy.
Sáng 18-3, khói bốc lên nghi ngút từ lò phản ứng số 2 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1
Đây là lần đầu tiên cơ quan vận hành này thừa nhận rằng họ có tính đến phương pháp chôn “mớ ngổn ngang” này. Dấu hiệu này chứng tỏ rằng hoạt động nỗ lực tưới nước từ các trực thăng quân sự mấy hôm nay không mấy hiệu quả.
Một quan chức từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) phát biểu tại hội thảo hôm 18-3 rằng: “Việc chôn các lò phản ứng hạt nhân không phải là không khả thi. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này là nỗ lực làm mát tại các lò phản ứng”.
Trong khi Nhật Bản đang bước vào tuần thứ hai sau thảm họa kép, ảm ảnh về khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất Chernobyl vẫn khiến người ta lo ngại.
Hàng triệu người Tokyo vẫn đang sống tạm bợ với nỗi sợ hãi từng giờ. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia hôm nay cho biết họ đã xác nhận đươc 5.692 người chết sau thảm họa kép và 9.522 người mất tích.
Sáng nay, khói bốc lên nghi ngút từ lò phản ứng số 2 của Nhà máy Fukushima số 1 và Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản nói hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
“Chúng tôi xem đây là một tai nạn đặc biệt nghiêm trọng” - ông Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA), phát biểu trước báo giới ngày 18-3 ngay sau khi đặt chân tới Tokyo để đánh giá mức độ nghiêm trọng ở nhà máy hạt nhân Nhật Bản.
Ông nhấn mạnh.“Chuyện này không chỉ riêng Nhật Bản phải giải quyết mà người dân trên khắp thế giới cũng cần chung tay với Nhật Bản”.
Bình luận (0)