Năm ngoái, số tiền mặt kỷ lục 3,76 tỉ yên (42 triệu USD) bị thất lạc được đưa đến cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được trả lại cho chủ nhân, theo Sở Cảnh sát thủ đô Tokyo. Đây được xem là một hiện tượng phản ánh đức tính thật thà của người Nhật trong việc trả lại tiền và tài sản thất lạc. Ở Nhật, tỉ lệ phạm tội rất thấp và người dân hầu như không sợ bị cướp, nên họ thường mang theo tiền mặt.
Trong những tiệm cà phê ở Tokyo, một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, việc khách hàng để chiếc điện thoại iPhone mới trên bàn và tới quầy gọi thức uống là hiện tượng phổ biến. Ngay cả với những vật dụng cá nhân không mấy giá trị để quên cũng sẽ được lưu giữ để trả lại cho chủ nhân sau này.
Năm 2016, người dân đã giao 42 triệu USD tiền mặt nhặt được cho cảnh sát Tokyo. Ảnh: Bloomberg
Nhiều người khẳng định đức tính thật thà của người Nhật được hình thành từ nền văn hóa và giáo dục đạo đức. “Đạo đức là một môn học có trong chương trình dạy ở trường. Học sinh học cách tưởng tượng cảm giác của những người bị mất đồ đạc và tiền bạc. Do đó, việc trẻ em mang tiền nhặt được đến đồn cảnh sát không phải là chuyện hiếm” – ông Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát, cho biết. Hiện tại, ông Nishioka là giảng viên ngành nghiên cứu quốc tế của trường ĐH Kansa.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có những quy định và hình thức tưởng thưởng. Theo luật Đồ đạc Thất lạc của Nhật Bản, bất cứ ai nhặt được tiền đều phải đưa đến cảnh sát. Họ sẽ nhận được 5-20% số tiền nhặt được sau khi chủ nhân đến nhận. Nếu trong vòng 3 tháng không ai đến nhận, người nhặt được quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó.
Nếu đánh rơi tiền ở Tokyo, đừng quá lo lắng. Ảnh: Istock
Bình luận (0)