Sự sống nhân tạo có thể sớm được phát triển trong phòng thí nghiệm sau khi các nhà khoa học Anh tạo ra phôi động vật có vú chỉ bằng cách sử dụng tế bào gốc.
“Kiệt tác” khoa học
Các nhà khoa học tại Trường ĐH Cambridge (Anh) đã trộn lẫn 2 loại tế bào gốc của chuột và đặt chúng trong môi trường chứa hóa chất có điều kiện tương tự bên trong tử cung. Sau 4 ngày, các tế bào hình thành cấu trúc của một phôi chuột sống. Bước đột phá này được mô tả là một “kiệt tác” trong lĩnh vực kỹ thuật sinh học, cho phép các nhà khoa học trong thời gian tới có thể phát triển phôi người nhân tạo trong phòng thí nghiệm mà không cần tinh trùng hoặc trứng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science (Mỹ) đầu tháng 3.
Việc phát triển phôi người nhân tạo sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về giai đoạn đầu hình thành sự sống của con người, từ đó có thể biết nguyên nhân gây sẩy thai. Thế nhưng, bước đi này có nguy cơ gây không ít tranh cãi về đạo đức. Các nhà khoa học hiện chỉ có thể thực hiện thí nghiệm trên phôi thai còn sót lại từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, loại phôi này có số lượng giới hạn và phải bị hủy sau 14 ngày. Giờ đây, loại phôi nhân tạo có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm với số lượng vô hạn, giúp đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu trong lúc loại bỏ một số rào cản về đạo đức.
“Chúng tôi vô cùng lạc quan khi điều này sẽ cho phép nghiên cứu những sự kiện quan trọng trong giai đoạn phát triển then chốt của sự sống con người mà không cần phải tiến hành tìm hiểu trên loại phôi tạo ra bằng IVF. Việc hiểu được làm thế nào quá trình phát triển diễn ra bình thường sẽ cho phép chúng ta hiểu được tại sao nó thường gặp trục trặc” - GS Magdalena Zernicka-Goetz, Trưởng Nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Cambridge, nói với tờ Telegraph (Anh).
Ý kiến trái chiều
Cộng đồng khoa học nhìn chung hoan nghênh công trình nghiên cứu nói trên và gọi đó là bước đột phá quan trọng. TS Dusko Ilic, chuyên gia khoa học tế bào gốc tại Trường ĐH King (Anh), cho rằng nghiên cứu này tạo ra những bước đi đầu tiên của sự sống trong phòng thí nghiệm. “Nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH Cambridge đã thực sự tạo ra phôi mới hoàn toàn bằng cách sử dụng 2 loại tế bào khác nhau, trộn chúng theo một tỉ lệ cụ thể và cho phép chúng hợp lại thành phôi. Đó là đỉnh cao của khoa học” - TS Dusko Ilic đánh giá.
Dĩ nhiên là không phải ai cũng hoan nghênh đột phá khoa học nói trên. Những người chỉ trích cảnh báo việc cho phép phát triển phôi nhân tạo phục vụ mục đích khoa học sẽ mở đường cho sự ra đời của em bé theo ý muốn và người biến đổi gien. Vì thế, đã xuất hiện lời kêu gọi “một cuộc đối thoại quốc tế” trước khi bật đèn xanh cho kỹ thuật nói trên.
“Một cơ quan quản lý sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem có nên cho phép tạo ra phôi tế bào gốc của con người hay không và nếu có thì chúng có thể được lưu lại trong đĩa petri trong bao lâu để phát triển hơn nữa. Tất nhiên, chúng ta nên có một cuộc đối thoại quốc tế về quy định của các thí nghiệm như vậy” - GS James Adjaye, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tế bào gốc và y học tái tạo thuộc Trường ĐH Heinrich Heine (Đức), cho biết.
Tại Anh, các nhà khoa học sẽ cần phải được sự cho phép của Cơ quan Sinh sản con người và phôi học (HFEA) trước khi thử tạo phôi người nhân tạo. Nước này hiện dẫn đầu thế giới về nghiên cứu sinh sản. Hồi năm ngoái, một nhóm chuyên gia tại Viện Crick Francis đã được cấp phép để biến đổi di truyền phôi thai người. Đây là lần đầu tiên một quốc gia cho phép thực hiện quá trình như thế.
Phôi heo lai người
Theo báo The Tartan (Mỹ), các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu sinh học Salk (Mỹ) vào đầu năm nay thông báo đã tạo ra được loại phôi lai giữa heo và người bằng cách cấy tế bào gốc của con người vào phôi heo. Các tế bào người không chỉ sống trong quá trình cấy ghép mà còn bắt đầu phát triển thành mô trong cơ thể sống. Đây là bước quan trọng tiến đến việc phát triển các cơ quan nội tạng của con người bên trong cơ thể động vật để có thể sử dụng trong cấy ghép tạng. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm này đã bị chấm dứt trong giai đoạn thai kỳ được 4 tuần.
Đây là một trong những thử nghiệm mới nhất nhằm tạo ra phôi lai nửa người nửa động vật - một tiến trình gây không ít tranh cãi về mặt đạo đức. Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) vào năm 2015 đã tạm ngưng tài trợ cho loại nghiên cứu này nhưng những công trình dùng tiền của tư nhân vẫn diễn ra.
Bình luận (0)