Chiến dịch "Race to Zero" - "Cuộc đua về 0", một chiến dịch do Liên Hiệp Quốc (LHQ) hậu thuẫn nhằm thúc đẩy các hành động chống khủng khoảng khí hậu - vừa cập nhật một bộ tiêu chí nghiêm ngặt hơn vào ngày 15-6.
Theo hãng tin Reuters, bộ tiêu chí được đưa ra sau cuộc tham vấn với 200 chuyên gia độc lập, sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty lớn nhất thế giới đã tham gia cam kết hướng tới mức phát thải ròng bằng 0.
Các thành viên tham gia cam kết sẽ được yêu cầu giảm dần và đi đến loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời bảo đảm các tác động xã hội của việc chuyển đổi được giảm nhẹ.
Theo đó, các tập đoàn và nhà đầu tư phải hạn chế cấp vốn hay tạo điều kiện cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch mới, theo lộ trình và mốc thời gian được điều chỉnh linh hoạt giữa các khu vực và lĩnh vực; đồng thời chủ động hỗ trợ các chính sách khí hậu cấp địa phương và cấp quốc gia.
Các quy tắc cập nhật sẽ áp dụng cho bất kỳ thành viên mới nào kể từ ngày 15-6, trong khi các thành viên hiện tại có 1 năm để theo kịp bộ tiêu chí.
Hai nhà vô địch Hành động khí hậu cấp cao tại COP26&COP27 (Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ) Nigel Topping và Mahmoud Mohieldin đưa ra tuyên bố chung: "Sự rõ ràng mà các tiêu chí này cung cấp cùng việc tăng cường sự minh bạch về dữ liệu, sẽ giúp chúng tôi xác định được những tiến bộ đã đạt được và những khoảng trống, thể hiện rõ ai là người đang tiến lên và ai đang cố gắng lợi dụng sơ hở".
Than được vận chuyển sau khi khai thác từ mỏ Khanye Colliery của Nam Phi ngày 26-5 Ảnh: REUTES
Cũng trong ngày 15-6, nhóm 10 quốc gia EU do Đan Mạch dẫn đầu, cùng với Đức, Slovakia, Áo, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Điển đã cảnh báo về những nỗ lực làm suy yếu các chính sách khí hậu của khối, cho biết điều đó đang diễn ra giữa các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu, nhưng không nêu tên quốc gia hay nhà lập pháp nào cụ thể.
10 quốc gia EU cho biết họ đang xem xét với mối quan tâm ngày càng tăng trước những lời kêu gọi nhằm giảm bớt tham vọng trong các hồ sơ và những nhượng bộ được thực hiện trong bối cảnh tìm kiếm các thỏa hiệp.
Họ giải thích rằng đó là những thay đổi có vẻ hợp lý nếu nhìn riêng lẻ, hoặc có vẻ chỉ tác động hạn chế, nhưng cộng lại sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ mục tiêu khí hậu năm 2030 và đưa tất cả vào một quỹ đạo bất khả thi.
Họ cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không để động cơ ngắn hạn làm suy yếu quyết tâm chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiều cuộc đàm phán bất lợi đã diễn ra khi một số nước châu Âu cố gắng chống lại chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát, đổ xô đi mua nhiên liệu hóa thạch không phải của Nga.
Trước đó, hàng chục điều luật đã được EU thống nhất đặt ra để cắt giảm 55% lượng khí thải ròng của khối vào năm 2030, so với mức năm 1990, bao gồm lệnh cấm ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ áp đặt vào năm 2035.
Cũng trong ngày, số liệu từ cảng than vịnh Richards (RBCT) của Nam Phi mà Reuters có được cho hay họ đã giao hơn 3,24 triệu tấn than cho các nước châu Âu vào cuối tháng 5, chiếm 15% tổng lượng xuất khẩu của RBCT. Lượng than các nước châu Âu đã nhập từ trung tâm xuất khẩu chính của Nam Phi này trong 5 tháng đầu năm đã nhiều hơn 40% so với cả năm 2021.
Nguyên nhân chính được cho là lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga vào EU, có hiệu lực từ tuần thứ 2 của tháng 8. Hà Lan, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức và Ukraine là những nước đã nhận than từ RBCT trong năm nay, trong đó lượng nhập khẩu của Pháp đã tăng tới 7 lần. Một số nước chỉ bắt đầu nhập than từ RBCT kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.
Bình luận (0)